Nuôi bồ câu nhốt, làm chơi ăn thiệt

02/12/2016, 09:57

BT- Thật ra không có gì là “làm chơi ăn thiệt” cả nhưng ở mức độ lao động nhẹ nhàng, vừa làm vừa chơi của người già, người qua tuổi hưu thì mô hình nuôi bồ câu nhốt, một vốn bốn lời, là công việc khá phù hợp.

Một trong những mô hình nuôi bồ câu nhốt dành cho người nhiều tuổi thành công là mô hình đơn giản trong không gian hẹp của bà Phạm Kiều Lâm, thôn Lập Sơn, xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam. Có hai hình thức nuôi nhốt chính: nuôi dạng quần thể và nuôi từng ô chuồng riêng.

                
Ảnh minh họa

Nuôi dạng quần thể

Bà Lâm kể: Một lần về quê Thạch Thành, Thanh Hóa, nhìn thấy người trong dòng họ, gia đình đều làm nghề nuôi bồ câu nhốt và đều có đời sống khá giả, bà để ý học nghề và bắt tay vào công việc mới mẻ vừa sức với tuổi tác của mình. Đó là thời điểm tháng 8/2014, bà khởi đầu với 6 cặp giống. Hiện nay, bầy bồ câu của bà đã trên 400 con, là chưa kể số mới bán 18 triệu đồng gần đây.

Với bất kỳ loại hình chăn nuôi nào, con giống cũng đều giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Chuồng bồ câu của bà Lâm hiện có 3 loại giống: giống Mimas của Pháp, giống bồ câu gà của Mỹ và bồ câu Nhật đuôi xòe. Bà chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn chim đẻ nhiều, nuôi con tốt phải chọn chim có lông bụng dày mượt, khỏe mạnh, mỏ xẻ, không dị tật, lanh lợi.

Về cách nuôi dạng quần thể, dùng lưới sắt (B40) quây kín quanh không gian vừa phải sao cho mật độ chỉ nên để khoảng 6 - 8 con/m2 đối với chim sinh sản và khoảng 10 - 14 con/m2 đối với chim dò (chim non sau khi tách mẹ). Vì bồ câu sinh sản rất nhanh, 5 tháng bắt đầu đẻ, chăm tốt một tháng một lứa, từ một cặp có thể sản sinh ra 12 đến 14 lứa chim bồ câu con trong một năm và sau đó tăng cấp số nhân nên phải thường xuyên chia chuồng. Tốt nhất là tách chim dò ra nuôi riêng để chim mẹ mau đẻ trở lại.

Nền chuồng phải trải cát và thay cát sạch hàng ngày, vừa giữ vệ sinh chuồng trại vừa giữ sạch một phần thức ăn của chim (chim ăn cát thêm để giúp tiêu hóa thức ăn). Về thức ăn chính, theo kinh nghiệm của bà Lâm, công thức pha trộn rất đơn giản, tùy theo từng giai đoạn mà gia giảm nhưng công thức thông thường là 6-1-1, tức cứ 6 ca lúa thì trộn với 1 ca bắp và 1 ca cám thực phẩm. Bà Lâm cho chim ăn vào giờ quy định để tạo thói quen, thông thường ngày cho chim ăn 2 lần vào 7- 8 giờ sáng và 2 - 3 giờ chiều. Nước uống cũng phải thay sạch hàng ngày, không được đựng nước trong lon, hộp kim loại.

Chim bồ câu sức đề kháng rất cao, ít bệnh tật nhưng nuôi nhốt thì phải chú ý phòng bệnh giun sán, vài ba tháng pha vào trong nước vài liều thuốc xổ cho chim uống và cho chim bố mẹ uống thêm các Vitamin, điện giải, đường gluco. Lưu ý nhiều hơn với chim dò (1 - 6 tháng tuổi), khả năng tiêu hóa kém dễ bị bệnh nên phải nuôi riêng và cho uống thêm men đường ruột hoặc nhỏ thuốc phòng bệnh Newcastle loại Lasota hệ 1: nhỏ 1 giọt vào mũi và 2 giọt vào miệng chim non hoặc cho uống kháng sinh tổng hợp. Cũng có thể có các bệnh thương hàn , E.COLI, tụ huyết trùng, Newcastle, và bệnh đậu gà… trong trường hợp này phải nhờ đến nhân viên thú y.

Nuôi từng ô chuồng riêng

Với kinh nghiệm của bà Lâm thì việc đầu tiên khi nuôi ở dạng ô chuồng riêng là phải biết phân biệt trống mái để ghép cặp vào một chuồng. Con trống to hơn, đầu thô, có phản xạ gù mái sau 5 tháng tuổi, khoảng cách giữa 2 xương chậu hẹp. Bồ câu mái thường nhỏ hơn, đầu cũng nhỏ và thanh, khoảng cách giữa 2 xương chậu rộng. (Tuy nhiên, lúc bé rất khó phân biệt, tốt nhất  nên mua loại chim giống từ 5 - 6 tháng tuổi).

Ô chuồng riêng thường phải đạt kích thước 40 x 40 x 50. Với chim đẻ ô chuồng nên đủ để hai ổ, một cho chim đẻ và một phần để nuôi con. Ổ có thể làm bằng những chiếc rổ nhựa nhỏ hoặc lốp xe đạp cắt hai lật ngược, khâu tròn, đường kính khoảng 25 cm. Ổ đẻ cần cùm cột ổn định tránh lung lay làm vỡ hoặc rớt trứng ra ngoài và thường xuyên bổ sung lót ổ bằng rơm sạch, với bồ câu đang nuôi con cần thay ổ thường xuyên 2 lần/tuần và tránh tích tụ phân tại ổ đẻ. Chim bồ câu thường đẻ trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 giờ chiều do vậy cần hạn chế vào chuồng chim…Có một kinh nghiệm hữu ích là mở nhạc hoặc radio suốt ngày để bồ câu quen với âm thanh không bị giật mình, không hoảng loạn hoặc ngưng đẻ.

Tuổi sinh sản của bồ câu là 5 năm, nhưng sau 3 năm đẻ, khả năng sinh sản giảm, nên thay lứa chim mới. Khi chim ấp kiểm tra, lựa trứng, ghi chép số chuồng, ngày đẻ. Trứng đẻ 5 - 7 ngày phải soi xem thử trứng có trống không, nếu không thì bỏ ra ngoài, số trứng còn lại chuyển qua cặp đẻ cùng ngày để ấp. Khi 3 cặp chim nở, sẽ tách một cặp con dồn cho hai cặp nuôi. Cặp còn lại 7 - 10 ngày sau đẻ tiếp.

Dù nuôi dạng quần thể hay nuôi từng ô chuồng riêng cũng nên rèn thói quen cho chúng ăn vào một giờ quy định nào đó, thường là cho ăn hai lần vào 6 - 7 giờ sáng và 13 - 14 giờ chiều.

Bà Lâm chia sẻ một kinh nghiệm nữa là với bồ câu thương phẩm nên tách riêng từng con và có chế độ vỗ béo thích hợp, có như vậy mới giữ mối được đầu ra.

Chuồng trại đơn giản, chăm sóc nhẹ nhàng, thu nhập ổn định, đủ sống, thiết nghĩ đây là mô hình vừa làm vừa chơi phù hợp với tuổi sau hưu, tuổi của an nhàn không màng đến những điều to tát, phức tạp.

Nguyễn Tân Hải


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nuôi bồ câu nhốt, làm chơi ăn thiệt