Tiểu bậy, xả rác - ai phạt?

02/12/2016, 08:02

BT- Từ ngày 1/2/2017 tới, Nghị định 155/2016 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ có hiệu lực thi hành. Theo đó mức phạt tiền đối với các hành vi gây mất vệ sinh sẽ tăng gấp hàng chục lần, ví dụ như: Hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định, phạt tiền từ 1.000.000 đồng – 3.000.0000 đồng (quy định cũ từ 200.000 đồng – 300.000 đồng).

Hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định, bị phạt từ 500.000 đồng – 1.000.000 đồng (quy định cũ 50.000 đồng  - 100.000 đồng).

Hành vi vứt, thải rác trên vỉa hè, đường phố bị phạt từ 5.000.000 đồng – 7.000.000 đồng (quy định cũ 300.000 đồng – 400.000 đồng).

Hành vi điều khiển phương vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa không che chắn, hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông bị phạt từ 7.000.000 đồng – 10.000.000 đồng (quy định cũ từ 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng)…

So với mặt bằng thu nhập của người Việt Nam, mức phạt trên là khá nặng. Hãy hình dung: Một anh xe ôm lấy đâu ra 3 triệu đồng nộp phạt cho 1 lần “tiểu đường”? Nhưng dư luận lại không băn khoăn về mức phạt nặng hay nhẹ, mà băn khoăn: Ai sẽ phạt? Phạt như thế nào?

Theo quy định (cũ) đã có từ lâu: Hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định bị phạt từ 100.000 – 300.000 đồng. Nhưng người ta vẫn thản nhiên tiểu bậy khắp nơi, vì có ai phạt họ đâu?

Đến nay vẫn không rõ lực lượng nào có trách nhiệm phạt tiểu bậy, cơ quan quản lý văn hóa hay cơ quan quản lý môi trường?

Giống như quy định hút thuốc lá nơi công cộng bị phạt tiền, nhưng chẳng thấy ai thi hành cả, dù khói thuốc lá vẫn mù mịt các nơi công cộng.

Tình trạng “chỉ nói mà không làm” dẫn đến “nhờn luật”. Lâu dần tiểu bậy, xả rác thành thói quen xấu xí của nhiều người Việt.

Lần này dư luận hy vọng đã ra quy định thì phải thực hiện cho nghiêm túc, ít ra cũng phải có lực lượng, phương tiện thực thi các quy định ấy.

Cùng với xử phạt mạnh tay, dư luận đề nghị phải xây dựng thêm các nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, đặt thùng rác ở các nơi cần thiết. Hiện ở nhiều thành phố, điểm du lịch, thật khó tìm ra nơi để “trút bầu tâm sự”!

Ngoài phạt tiền, cần quy định các chế tài hỗ trợ như: Nêu tên người vi phạm trên các phương tiện truyền thông, bắt buộc lao động công ích, dọn rác, rửa sạch nơi tiểu bậy… như TP. Hồ Chí Minh đã áp dụng.

Quan trọng là phải duy trì thường xuyên, liên tục, nếu chỉ thi thoảng “ra quân” xử phạt xả rác, tiểu bậy, kiểu “đánh trống bỏ dùi” (như xử phạt “ma men” lái xe) thì cũng chẳng ăn thua.

Tiểu bậy, xả rác bừa bãi, là do ý thức kém của con người, một phần từ cách giáo dục. Vì vậy cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục, trang bị các kỹ năng sống, cách ứng xử văn hóa với xã hội cho các em học sinh. Nếu ngay các em nhỏ cũng coi tiểu bậy, xả rác nơi công cộng là chuyện bình thường, thì khi chúng lớn lên sẽ rất khó uốn nắn.

K.N


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiểu bậy, xả rác - ai phạt?