Trung tâm Pháp y Bình Thuận: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

07/12/2016, 10:01

BT - So nhiều năm về trước, trụ sở làm việc của Trung tâm Pháp y Bình Thuận rộng rãi hơn. Tuy nhiên, do tiếp nhận một khoa của bệnh viện đa khoa cũ nên trụ sở đã xuống cấp trầm trọng. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ viên chức làm công tác pháp y còn nhiều hạn chế.  Bên cạnh, chưa đủ số lượng giám định viên chuyên trách (hiện có 2 giám định viên so với yêu cầu tối thiểu là 4 giám định viên chuyên trách) và các giám định viên chuyên sâu ở một số lĩnh vực.

Với tinh thần đoàn kết, có trách nhiệm, luôn biết cách khắc phục khó khăn nên kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị năm 2016 luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu. Cụ thể, giám định người sống đã thực hiện 498/450 trường hợp; giám định hồ sơ, tài liệu 37/10 trường hợp; giám định tử thi 260 trường hợp, đạt 173,33% kế hoạch; giám định pháp y về mô bệnh học là 86 trường  hợp, đạt 172% kế hoạch;  giám định pháp y về dấu vết sinh học thực hiện 50 trường hợp, đạt 166,66% kế hoạch; tham gia các phiên tòa  bảo vệ kết luận giám định 24 vụ, tăng 18 vụ so với năm 2015.

Khi giám định thương tích cho người sống cần có phòng ốc thoáng đãng, kín đáo, đủ ánh sáng, đảm bảo vệ sinh theo tiêu chuẩn bệnh viện nhưng hiện nay cơ sở của Trung tâm Pháp y đã xuống cấp nặng nề, không thể sửa chữa, nâng cấp. Trang thiết bị, máy móc dành cho công tác giám định còn thiếu phải đưa đối tượng giám định ra ngoài làm xét nghiệm bổ sung (siêu âm, chụp MRI, CT Scanner) nên không đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, chính xác. Đối tượng khi đi giám định thường không có cán bộ điều tra đi kèm nên khi có sai sót, thiếu các hồ sơ, tài liệu cần thiết mất thời gian để chỉnh sửa, bổ sung. Đa phần các trường hợp giám định tử thi phải thực hiện ngay tại hiện trường mà không có xe chuyên dụng mổ tử thi nên thường ách tắc giao thông, không đảm bảo vệ sinh môi trường, mất an toàn cho các giám định viên và đặc biệt gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị. Nguồn kinh phí chi trả giám định tư pháp của cơ quan điều tra các cấp chưa tách thành mục chi ngân sách riêng và chưa được dự toán cấp phát đầy đủ, kịp thời nên chậm thanh toán dứt điểm cho Trung tâm Pháp y. Một số ít điều tra viên còn thiếu kiến thức giám định tư pháp, thiếu sự chủ động, quyết đoán, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định. Đồng thời thiếu quy định cụ thể về căn cứ, cách thức trưng cầu giám định để đáp ứng yêu cầu của vụ việc cần giải quyết.

Để sớm khắc phục những khó khăn trên, bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y Bình Thuận kiến nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện Đề án 2246/ĐA - UBND về kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, để triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Hữu Cán


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
 Trung tâm Pháp y Bình Thuận: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ