Bắc Bình: Gỗ vẫn “bay” trên đường độc đạo

12/12/2016, 13:48

BT- Thời gian qua, trên địa bàn xã Phan Sơn, Phan Lâm, huyện Bắc Bình, lâm tặc dùng xe honda, ô tô chở gỗ lậu diễn ra khá nhiều.

                              
Tuyến đường lâm tặc thường chở gỗ lậu về    đêm.
   
Gỗ lậu bị Công an xã Phan Sơn bắt giữ.

Người dân cho biết: Lợi dụng đêm tối, lâm tặc thường dùng xe gắn máy hoặc xe ô tô chở gỗ chạy trên tuyến đường từ xã về thị trấn Lương Sơn. Lâm tặc thường chở gỗ dạng tròn dài khoảng 2m. Khi lưu thông trên đường, các xe này phóng với tốc độ cao gây nguy hiểm cho người đi đường. “Hầu hết các xe chở gỗ đều được độ lại để chạy nhanh hơn. Mỗi khi xe chạy qua, tiếng pô phát ra khá lớn gây khó chịu cho người dân sống hai bên đường. Lâm tặc chở gỗ thường đi một lúc nhiều xe nên người dân phải nép vào lề đường để tránh va chạm. Hiện nay, người dân rất hạn chế ra đường vào ban đêm”, một người nói. Người dân còn cho biết: Trên tuyến đường mà lâm tặc thường xuyên chở gỗ lậu có một Trạm bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy, trụ sở Công an xã Phan Sơn. Tuyến đường này cũng là tuyến đường độc đạo nối xã Phan Sơn, Phan Lâm với các xã khác nhưng  các lực lượng chức năng vẫn không khống chế được các xe vận chuyển gỗ lậu.

Tại buổi tiếp xúc cử tri của bà Bố Thị Xuân Linh, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận tại xã Phan Sơn, cử tri đã phản ánh khá gay gắt vấn đề này. Đại diện Công an huyện Bắc Bình, UBND xã Phan Sơn cho biết đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng này. Tuy nhiên, do lực lượng ít và lâm tặc cử người theo dõi nên khi thấy vắng bóng lực lượng chức năng là lâm tặc tiến hành vận chuyển gỗ lậu. Trong thời gian tới, Công an huyện Bắc Bình sẽ tăng cường lực lượng để bắt các đối tượng vận chuyển gỗ lậu. Nhưng theo người dân, việc khống chế lâm tặc chở gỗ qua tuyến đường xã Phan Sơn, Phan Lâm sẽ được hạn chế nếu lực lượng chức năng lắp barie, lập một trạm kiểm soát trên tuyến đường này.

Nguyễn Luân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắc Bình: Gỗ vẫn “bay” trên đường độc đạo