Nỗ lực ngăn chặn thực phẩm bẩn

05/12/2016, 08:28

BT- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những công tác quan trọng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, các cấp chính quyền chú trọng thực hiện, nhất là công tác kiểm tra giám sát.

Tăng cường kiểm tra

Từ đầu năm 2016 đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 3.917 cơ sở, phát hiện 1.329 cơ sở vi phạm (34%), xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 289.750.000 đồng.

Riêng ngành y tế, từ đầu năm đến nay đã kiểm tra được 3.911/ 6.841 cơ sở thực phẩm thuộc ngành y tế quản lý, phát hiện 1.178 cơ sở vi phạm (30%); xử phạt hành chính 83 cơ sở với số tiền phạt là 171.400.000 đồng. Trong đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã kiểm tra được 253 cơ sở, có 28 cơ sở vi phạm (11%). Tuyến huyện đã kiểm tra được 1.303/ 1.755 cơ sở, phát hiện 346 cơ sở vi phạm (26,5%). Tuyến xã đã kiểm tra được 2.355/ 4.714 cơ sở, có 804 cơ sở vi phạm (34%), chủ yếu nhắc nhở. Nội dung vi phạm chủ yếu là giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết thời hạn; không khám sức khỏe định kỳ; không có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm; không kiểm nghiệm nước dùng sản xuất, chế biến thực phẩm theo định kỳ; không lưu mẫu thực phẩm; không có phương tiện, thiết bị ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại.

 Thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, Công an tỉnh đã chủ động nắm tình hình, phát hiện và tổ chức kiểm tra 7 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, xử phạt 155 triệu đồng. Từ ngày 15/9/2016 đến nay, lực lượng công an kiểm tra phát hiện 14 vụ vi phạm, đề nghị xử phạt 11 vụ 127,5 triệu đồng. Tang vật bị tịch thu tiêu hủy gồm 2 bao tải bánh tráng, 45 lít mạch nha, 8 kg tôm khô, 380 kg thịt động vật, 8 chai thuốc phân bón lá, 24,2 kg phụ gia, hóa chất.

 Các vụ vi phạm điển hình

Ngày 14/7/2016, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Bình Thuận kiểm tra cơ sở giết mổ gia cầm của ông Trần Văn Danh (SN 1963), tại khu phố Phú Mỹ, thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc phát hiện đang sử dụng chất keo nhựa thông và sáp trong hoạt động nhổ lông, giết mổ gia cầm. Cơ quan chức năng đã tịch thu, tiêu hủy 11,5 kg chất keo, 0,9 kg sáp và xử phạt hành chính 45 triệu đồng. Ngày 15/7/2016, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Bình Thuận kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến giá đỗ của ông Đặng Văn Lượng (SN 1957), tại khu phố Phú Cường, thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc phát hiện đang sử dụng chất tẩy trắng và chất kích thích tăng trưởng trong sản xuất giá đỗ. Đoàn kiểm tra đã tịch thu, tiêu hủy 0,1kg chất tẩy trắng, 0,4 vỏ ống thuốc kích thích tăng trưởng không rõ nguồn gốc xuất xứ, 30 kg giá đỗ và xử phạt hành chính với số tiền 45 triệu đồng. Ngày 27/8/2016, Phòng Cảnh sát môi trường kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến cá cơm của bà Huỳnh Thị Long (SN 1966) tại khu phố 3, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết hiện đang sử dụng 2 loại hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến cá cơm. Công an đã tạm giữ 2 can nhựa hóa chất dạng lỏng và 12 kg chất tinh thể màu trắng không rõ nguồn gốc và 155kg cá cơm thành phẩm đã qua sử dụng hóa chất.

 Tiếp tục nhiều giải pháp

 Để duy trì công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các sở, ngành, các địa phương cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nội dung Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 6/10/2016 của Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới và Kế hoạch số 2352/KH-UBND ngày 5/7/2016 của UBND tỉnh. Các sở, ngành, các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm và tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh và cả người tiêu dùng thực phẩm. Chú trọng vào các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch 2017 và Tết Nguyên đán Đinh Dậu.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm. Tăng cường kiểm soát lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, trái cây, nông sản. Tiếp tục hoàn thiện và xây dựng mới mô hình các chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông thủy sản áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến hoặc phù hợp với từng loại hình cơ sở theo quy định để cơ sở được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP) hoặc chương trình quản lý chất lượng HACCP, GMP, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Huỳnh Lê


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗ lực ngăn chặn thực phẩm bẩn