Phú Long: Sản xuất rau an toàn liên kết chuỗi

12/12/2016, 10:50

BT- Lần đầu tiên trên địa bàn thị trấn Phú Long (Hàm Thuận Bắc), mô hình sản xuất rau an toàn theo liên kết chuỗi bước đầu mang lại hiệu quả. Thông qua phương thức là tổ rau chủ động ký kết với các trường học, siêu thị, bỏ mối cho doanh nghiệp, đơn vị  trong tỉnh theo nhu cầu hàng ngày...

                
Sản xuất rau an toàn ở Phú Long

Liên kết

Phú Long là một thị trấn thuần nông nghiệp với các loại cây chủ lực như thanh long, lúa, rau màu. Đối với diện tích rau màu, tập trung sản xuất ở các khu phố Phú Cường, Phú Trường, Phú Xuân, Phú Mỹ, Phú An. Đây là những điểm chuyên cung cấp nhiều chủng loại rau phục vụ trên địa bàn, các vùng lân cận.

Năm 2016, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bình Thuận (Trung tâm) phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (QLCLNL&TS), Hội Nông dân, chính quyền thị trấn Phú Long triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại khu phố Phú Trường, tổng diện tích 6 ha/21 hộ. Để triển khai mô hình, ngay từ đầu tháng 2/1016, Trung tâm phối hợp các đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá lại các điểm sản xuất rau trên địa bàn thị trấn Phú Long, trong đó tập trung chủ yếu vùng trồng rau tại Phú Trường, trong đó Chi cục Quản lý CLNL&TS hỗ trợ chi phí lấy mẫu đất, nước đi phân tích. Kết quả phân tích đạt yêu cầu và thống nhất chọn vùng rau Phú Trường để tiến hành triển khai thực hiện mô hình.

Trung tâm phối hợp với Chi cục Quản lý CLNL&TS tỉnh đẩy mạnh công tác liên kết với Siêu thị Coop-mart Phan Thiết, tham quan vùng sản xuất để có cơ sở thỏa thuận, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tổ hợp tác, giúp các hộ yên tâm sản xuất theo chuỗi liên kết. Thông qua lớp tập huấn, trung tâm đã tư vấn xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo hướng VietGAP cho các thành viên tổ hợp tác; quy trình sản xuất từng loại rau, danh mục thuốc được phép sử dụng và cấm sử dụng trên rau, hồ sơ ghi chép và lưu trữ hồ sơ. Kết quả, tất cả các thành viên trong tổ đều thực hiện tốt việc ghi chép, lưu trữ hồ sơ theo quy định của VietGAP. Các hộ tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học, thường xuyên thăm vườn, phòng ngừa bằng các loại thuốc có trong danh mục nên tỷ lệ nhiễm sâu bệnh có xảy ra nhưng không đáng kể. Các hộ áp dụng theo quy trình sản xuất rau an toàn, năng suất, lợi nhuận ruộng mô hình đạt cao hơn so với trước, góp phần nâng cao thu nhập cho nông hộ.

Cần nhân rộng mô hình

Theo ông Lê Ngọc Minh- Phó Giám đốc Trung tâm KNKN tỉnh, thông qua mô hình rau ăn lá được thực hiện tại địa phương, hỗ trợ việc phân tích mẫu rau, về cơ bản các chỉ tiêu phân tích đều đạt ngưỡng an toàn. Điều này cho thấy trong canh tác, hộ dân đã nhận thức rõ về chất lượng sản phẩm làm ra phải an toàn, không tồn đọng hóa chất độc hại, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng và môi trường nên việc nhân rộng mô hình hết sức cần thiết. Đáng nói, khi tham gia mô hình này, đa số hộ ưu tiên dùng nhóm thuốc có hoạt chất sinh học, thuốc có trong danh mục…nên các mẫu rau không bị nhiễm hóa chất độc hại. Tuy nhiên, sản xuất rau thường lệ thuộc vào thời tiết nên ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất. Mặt khác, thị trường tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm rau an toàn chưa có đầu mối rõ ràng, giá cả bán ra như rau sản xuất bình thường nên nông dân chưa an tâm sản xuất. Do đó, việc các hộ hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi là rất cần thiết để tạo ra sản lượng lớn, đầu ra ổn định, tăng thu nhập trên diện tích đất canh tác.

Cũng theo lãnh đạo trung tâm, trong canh tác rau, việc tuân thủ quy trình kỹ thuật cần được tăng cường, hạn chế sử dụng các loại phân vô cơ, tăng sử dụng phân hữu cơ, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch để không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường sinh thái. Mặt khác, các hộ cần trồng nhiều chủng loại rau khác họ, nhằm hạn chế sâu bệnh hại, quay vòng nâng cao hệ số sử dụng đất làm nhiều vụ trong năm.

Kiều Hằng


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phú Long: Sản xuất rau an toàn liên kết chuỗi