Xăng sinh học: Chưa “hút” do yếu tuyên truyền?

13/12/2016, 08:42

BT- Mặc dù các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã rất tích cực trong công tác tuyên truyền để phát triển mạng lưới kinh doanh xăng E5. Tuy nhiên, đến thời điểm này, người dân vẫn chưa hiểu hết mặt tích cực của việc sử dụng xăng E5. Do đó sản lượng tiêu thụ chậm, lợi nhuận thấp nên các doanh nghiệp triển khai bán xăng E5 chậm so với lộ trình kế hoạch.

                
Bơm xăng E5 cho khách hàng.

28 cửa hàng bán xăng E5

Từ khi triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, đến nay người dân đã có sự chuyển biến về nhận thức trong tiêu thụ xăng E5 trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, tổng sản lượng xăng E5 bán ra tháng 10/2016 khoảng 850 m3. Toàn tỉnh có 28 cửa hàng bán xăng E5 của Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí Bình Thuận (PVOIL Bình Thuận) và 1 đại lý bán xăng E5 của Doanh nghiệp tư nhân xăng dầu và xây dựng Thành Đạt, Tánh Linh. Trong các đơn vị kinh doanh xăng dầu có thị phần lớn trên địa bàn tỉnh, đến nay mới chỉ có PVOIL Bình Thuận phân phối xăng E5 với nguồn cung ổn định, và cũng là đơn vị đi đầu trong việc triển khai kinh doanh xăng E5 theo lộ trình của Chính phủ. Hiện nay, PVOIL Bình Thuận có tổng số 28/44 cửa hàng bán lẻ xăng E5, được phân bổ đều trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Mỗi cửa hàng đều có lượng dự trữ xăng E5 cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng E5 hiện nay của người dân.

Tuy nhiên, phần lớn cửa hàng xăng dầu hiện có quy mô nhỏ, không đủ diện tích để mở rộng, lắp thêm bồn, bể ngầm chứa xăng E5. Mặt khác, các cửa hàng xăng dầu sau đợt sửa chữa, cải tạo nâng cấp để đáp ứng điều kiện kinh doanh theo quy định nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tục đầu tư để kinh doanh thêm mặt hàng xăng E5. Bên cạnh đó, do công tác truyền thông, khuyến khích cộng đồng sử dụng xăng E5 chưa rộng khắp, thường xuyên… nên người dân chưa hiểu hết mặt tích cực của việc sử dụng xăng E5. Do đó khi triển khai đưa mặt hàng này bán ra trên thị trường còn khó khăn, sản lượng tiêu thụ chậm, lợi nhuận thấp nên các doanh nghiệp triển khai bán xăng E5 chậm so với lộ trình kế hoạch. Đối với Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bà Rịa - Vũng Tàu tại Bình Thuận, hiện nay chưa triển khai xăng E5 là do chưa có chủ trương của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam về kinh doanh xăng  E5 trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hệ thống bồn bể không đủ sức chứa thêm mặt hàng xăng E5. Kế hoạch trong năm 2017 doanh nghiệp này phấn đấu đạt 50% số cửa hàng bán xăng E5.

 Khẳng định rõ lợi ích xăng E5

Bước sang năm 2017, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ xăng E5. Trong đó, chú ý công tác truyền thông, khuyến khích cộng đồng sử dụng nhiên liệu sinh học. Khẳng định rõ những lợi ích của việc sử dụng nhiên liệu sinh học về môi trường, chi phí, chất lượng, độ an toàn, mức độ hao hụt… để người tiêu dùng an tâm sử dụng. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức bán xăng E5 tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Nhất là việc bố trí nhân viên, cửa hàng bán xăng E5 cho phù hợp, không để thiếu xăng E5 khi khách hàng yêu cầu mua. Phấn đấu đến tháng 6/2017, đạt tối thiểu trên 50% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của mình bán xăng E5. Sau đó tiếp tục nâng dần tỷ lệ cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối bán xăng E5 để phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và phục vụ rộng rãi cho các phương  tiện cơ giới đường bộ lưu thông trên địa bàn tỉnh.

Để mặt hàng xăng E5 được sử dụng rộng rãi trên thị trường theo lộ trình, tỉnh đã kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty xăng dầu khẩn trương tập trung các nguồn lực tổ chức cho các chi nhánh trực thuộc tại các địa phương nhanh chóng phát triển mạng lưới kinh doanh xăng E5 theo đúng lộ trình, để từng bước thay thế cho mặt hàng xăng truyền thống RON 92. Đồng thời, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền thông tin sâu rộng giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích lâu dài khi sử dụng mặt hàng xăng sinh học. 

Kim Anh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xăng sinh học: Chưa “hút” do yếu tuyên truyền?