Bảo vệ rừng ở Bắc Bình

09/12/2016, 09:01

Tính toán để đặt trạm

BT- Mới đây, tôi  có dịp trở lại Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Mao, nơi đang triển khai dự án làm giàu rừng khộp do Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II tài trợ. Đầu giờ chiều nhưng trạm chỉ có vài nhân viên làm việc. Anh Nguyễn Văn Vinh, Phó Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Mao giải thích: Hơn 2/3, cán bộ,  nhân viên của ban đang ở 4 trạm bảo vệ rừng. Tất cả con người đều dành cho khâu bảo vệ rừng. Cũng theo anh Vinh, việc  đặt các trạm bảo vệ rừng  của ban là quá trình nghiên cứu địa hình, những đường vận chuyện gỗ của lâm tặc. Và mỗi lần lâm tặc thay đổi  đường vận chuyển  gỗ thì ban lại một lần tính toán lại việc đặt trạm. Có những trạm phải đi xe máy trong nhiều giờ mới tới nơi có thể lên được trạm. Đa phần các trạm đặt ở cửa rừng, những vị trí trọng yếu nên mọi động tĩnh trong rừng đều được nắm bắt. Số vụ vi phạm Luật Quản lý bảo vệ rừng trên lâm phần Ban quản lý ngày một giảm. Nếu năm 2015, số vụ vi phạm là 4 vụ thì năm 2016 số vụ vi phạm chỉ còn 3 vụ, tịch thu 12 phương tiện, 6,628m3 gỗ.

                
      
Trạm Quản lý bảo vệ rừng liên huyện Bắc    Bình – Đức Trọng đặt ngay cửa rừng đã hạn chế tình trạng lâm tặc vào    rừng.

 Trạm liên huyện

Những năm trước, lâm tặc lợi dụng núi cao hiểm trở bên phía huyện Bắc Bình và rừng sản xuất độ cao thấp phía Lâm Đồng để khai thác trái phép lâm sản. Chiều dài vùng giáp ranh của huyện Bắc Bình với tỉnh Lâm Đồng khá lớn nên việc truy bắt  gặp nhiều khó khăn. Chỉ tính riêng hai rừng phòng hộ Sông Mao và Cà Giây đã có hơn 30 km rừng giáp ranh với các xã: Ninh Loan, Đà Loan và Tà Năng của huyện Đức Trọng với 7 tiểu khu và 7.000 ha rừng. Đa phần người dân ở các xã này đều là người dân tộc thiểu số nên dễ bị các lâm tặc dụ dỗ, lôi kéo. Cũng bởi địa hình cách trở nên việc bắt quả tang khai thác gỗ rất khó. Để điều động cán bộ từ trạm gần nhất đến vị trí lâm tặc khai thác cũng mất vài tiếng đồng hồ. Bên cạnh đó, lâm tặc luôn cử người theo dõi “nhất cử nhất động” của lực lượng chức năng nên mỗi khi đến nơi, lâm tặc đã bỏ trốn.

Trước thực tế đó, Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Bình đã kiến nghị lập trạm bảo vệ rừng tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) để  ngăn đường vào rừng của lâm tặc. Tháng 2/2014, Trạm Quản lý bảo vệ rừng liên huyện Bắc Bình - Đức Trọng tại xã Tà Năng, huyện Đức Trọng chính thức hoạt động. Ông Nguyễn Văn Lanh, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Bình cho biết: “Hàng tháng trạm đều lên kế hoạch kiểm tra các điểm nóng. Nhờ sự  phối hợp của kiểm lâm, công an, quân sự huyện Đức Trọng và  hai xã Đa Quyn và Tà Năng, nên đã ngăn chặn nhiều vụ  phá rừng”. 

Từ kết quả của các trạm đặt ở cửa rừng, cuối năm 2015, tại xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình lại thêm Trạm bảo vệ rừng Di Linh. Hiện Bình Thuận và Lâm Đồng đang tính toán xây dựng Trạm Di Linh thành trạm liên huyện như Trạm Quản lý bảo vệ rừng  huyện Bắc Bình – Đức Trọng nêu trên. Hiện UBND tỉnh đang xây dựng Trạm Đỉnh Xanh nằm ở điểm tiếp giáp của 3 huyện: Đức Trọng, Di Linh của Lâm Đồng và huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Dự kiến Trạm Đỉnh Xanh hoạt động trong năm 2017. Khi đó, 3 trạm bảo vệ rừng vùng giáp ranh sẽ giúp cho việc  bảo rừng  ở Bắc Bình ngày một tốt hơn.

Nguyễn Luân


Related articles

(0) Comments
Focus
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo vệ rừng ở Bắc Bình