Vào vụ sản xuất đông xuân 2016 - 2017: Áp dụng các tiến bộ mới trong sản xuất

08/12/2016, 08:10

BT- Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vừa triển khai kế hoạch sản xuất đông xuân 2016 - 2017 với diện tích gieo trồng toàn tỉnh 47.000 ha. Khung thời vụ chung sản xuất từ ngày 1/10 đến ngày 31/12/2016, riêng cây lúa tập trung xuống giống trong thời gian từ 10/12 đến 31/12/2016; chậm nhất đến ngày 10/1/2017 kết thúc gieo trồng.

                
Nhiều diện tích lúa mùa đang trong giai    đoạn đòng trổ.

Năm 2017, dự báo ngành nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, các dịch bệnh trên cây trồng, con nuôi diễn biến phức tạp. Do vậy, để thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất năm 2017, ngay từ đầu vụ đông xuân 2016 - 2017 ngành cần đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống mới vào sản xuất thâm canh nhằm đạt chỉ tiêu về sản xuất, đặc biệt là hoàn thành chỉ tiêu sản lượng lương thực 786.000 tấn. Hiện nay, trong khi các diện tích lúa vụ mùa 2016 đang vào thời điểm đòng trổ hoặc bắt đầu cho thu hoạch do trễ vụ, Sở Nông nghiệp & PTNT cũng đồng thời triển khai kế hoạch sản xuất đông xuân 2016 - 2017. Trong đó, diện tích cây lương thực là 38.500 ha (lúa 32.500 ha, bắp 6.000 ha); diện tích cây có bột 1.051 ha; cây thực phẩm 5.800 ha; cây công nghiệp ngắn ngày 1.160 ha.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết, nhiệm vụ chủ yếu trong sản xuất vụ đông xuân 2016- 2017 là các địa phương có kế hoạch cụ thể; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về giống, đất đai, chỉ đạo chặt chẽ về thời vụ; phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi cân đối và điều hành tốt nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân; hướng dẫn người dân đẩy mạnh đầu tư thâm canh, giám sát kỹ tình hình sâu bệnh để sản xuất đạt mục tiêu đề ra. Đối với những diện tích trồng lúa nước không đảm bảo đủ nước tưới suốt vụ, chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn để đảm bảo hiệu quả sản xuất. Trong sản xuất lúa phải tổ chức xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy theo đúng lịch gieo trồng của từng cánh đồng và từng vùng để phòng sâu bệnh hại nhằm hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra. Sử dụng các giống lúa kháng sâu bệnh, kháng rầy, có năng suất, chất lượng cao để nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người sản xuất lúa. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giống lúa, sử dụng giống lúa xác nhận để nâng cao năng suất lúa, đặc biệt là các huyện có năng suất lúa đạt thấp (dưới 55 tạ/ha); chuẩn bị các điều kiện để triển khai tốt chương trình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trong chương trình cánh đồng mẫu lớn.

Ông Phạm Hữu Thủ - Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết, mục tiêu sản xuất vụ đông xuân 2016 - 2017 đạt sản lượng lương thực 240.700 tấn; trong đó lúa 197.600 tấn, bắp 43.000 tấn. Ngoài ra, các địa phương cần lưu ý bảo đảm thời gian cách ly giữa hai vụ lúa, tối thiểu 2- 3 tuần. Tùy theo điều kiện nguồn nước, dự báo rầy nâu di trú của Chi cục Bảo vệ thực vật để triển khai xuống giống tập trung, đồng loạt, phù hợp cho từng khu vực, từng cánh đồng. Các giống lúa được phép sản xuất đại trà gồm giống chủ lực ML48, ML214, ML202…; các giống bổ sung OM 5930, OM 4498, OM 5936, OM 6162…và các giống lúa đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận, phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh; lượng giống gieo từ 120 - 150 kg/ha, đẩy mạnh sử dụng công cụ sạ hàng để tiết kiệm giống, dễ kiểm soát và hạn chế rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Thường xuyên bám sát đồng ruộng, thông báo kịp thời mật số rầy nâu và hướng dẫn cho nông dân tổ chức phun xịt để phòng trừ có hiệu quả. Việc tổ chức phun thuốc phải ra quân đồng loạt và tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”. Tăng cường vệ sinh đồng ruộng, chú trọng các đối tượng sâu bệnh thường gây hại như bệnh đạo ôn, vàng lá, bọ trĩ, sâu đục thân…để hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời. Hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ mới trong sản xuất, bón phân cân đối. Mặt khác, khuyến khích nông dân áp dụng chương trình  3 giảm, 3 tăng (giảm giống, giảm phân đạm, giảm thuốc BVTV; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả), sử dụng phân bón hợp lý, cân đối, tiết kiệm và quản lý tốt nguồn nước để phục vụ sản xuất.  

    
      Đối với diện tích đất lúa sản xuất kém hiệu quả, thiếu nguồn nước, các   địa phương chủ động chuyển đổi phát triển mạnh các cây trồng cạn như   bắp, rau đậu các loại trong vụ đông xuân. Trong đó, cần lưu ý việc   chuyển đổi cây trồng phải gắn với việc hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật,   đồng thời đáp ứng nhu cầu thị trường để sản xuất có hiệu quả, tăng thu   nhập cho nông dân.

Kiều Hằng


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vào vụ sản xuất đông xuân 2016 - 2017: Áp dụng các tiến bộ mới trong sản xuất