“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Thay đổi từ nhận thức

15/11/2016, 08:10

BT- Thời gian gần đây, thực hiện theo Chỉ thị 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bình Thuận đã triển khai cuộc vận động này đạt được một số kết quả nhất định.

                
Chợ hàng Việt. Ảnh: Đình Hòa

Hiệu quả từ cuộc vận động

Công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến cuộc vận động luôn được quan tâm với nhiều hình thức khác nhau như: treo băng rôn trên các tuyến đường chính của thành phố Phan Thiết, các điểm kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp nhằm hưởng ứng “Ngày quyền lợi người tiêu dùng thế giới” nay là “Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam” - ngày 15/3. Tập trung quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chất lượng cao của tỉnh thông qua chương trình hội chợ, triển lãm và các chương trình xúc tiến thương mại trong nước. Tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, tạo sự đồng thuận xã hội và thống nhất cao trong quá trình tổ chức thực hiện. Công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước được chú trọng như xây dựng Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Lựa chọn Công ty TNHH – Thương mại – Dịch vụ - Xây dựng Hải Thắng triển khai điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại Trạm dừng chân Hải Thắng ở 151 Nguyễn Thông, khu phố 5, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết. Tổ chức đăng cai hội nghị hợp tác ngành công thương 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng và chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa doanh nghiệp 3 tỉnh. Tổ chức phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm trong tỉnh (hàng năm khoảng 5 đến 6 hội chợ và trên 150 lượt doanh nghiệp tham gia – năm 2015 lần đầu tiên tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, thu hút trên 300 doanh nghiệp trong nước tham gia). Vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành phố để mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa. Tổ chức 6 phiên chợ hàng Việt về hải đảo, miền núi cho 92 lượt doanh nghiệp tham gia với 186 gian hàng tại các huyện: Phú Quý, Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, Tánh Linh, Tuy Phong và Hàm Tân, doanh thu bán hàng đạt gần 2,8 tỷ đồng. Công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, bình ổn thị trường, khuyến mãi được quan tâm hơn. Trong 10 tháng năm 2016 đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát 1.559 vụ, phát hiện 808 vụ vi phạm, gồm 838 hành vi vi phạm. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được triển khai thường xuyên, đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất - kinh doanh; người tiêu dùng an tâm, hài lòng khi chọn sử dụng sản phẩm, hàng hóa có chất lượng do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Công tác đầu tư phát triển chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển. Các nhà đầu tư đã quan tâm đầu tư xây dựng chợ, siêu thị; các địa phương tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng, góp phần xây dựng nông thôn mới (bình quân mỗi năm đầu tư nâng cấp, xây mới từ 8 đến 10 chợ, năm 2016 kêu gọi nhà đầu tư tham gia đầu tư siêu thị, trung tâm thương mại tại các huyện: Tánh Linh, Tuy Phong, thị xã La Gi).

 Những hạn chế và hướng tháo gỡ

Mặc dù đạt được những kết quả như đã nêu, nhưng cuộc vận động vẫn còn nhiều hạn chế như: Công tác tuyên truyền, thông tin đến người tiêu dùng về hàng hóa mang thương hiệu Việt còn chung chung, chưa trọng tâm. Nhận thức người tiêu dùng đã thay đổi trong mua sắm các sản phẩm thương hiệu Việt thay cho các sản phẩm nước ngoài có chuyển biến tích cực nhưng chưa nhiều. Vì nhiều lý do không ít người vẫn chưa tin tưởng hàng Việt và còn tư tưởng chuộng hàng ngoại cho dù có đắt hơn. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chưa đồng bộ, kịp thời. Kinh phí hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp trong tỉnh còn hạn chế; một số doanh nghiệp chưa chủ động nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước. Hoạt động, tham gia hưởng ứng đưa hàng Việt về nông thôn và tham gia hội chợ, triển lãm của các doanh nghiệp chưa nhiều. Còn ít doanh nghiệp quan tâm đến công tác này và chưa xem đây là kênh phân phối, quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp. Một số sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh về mẫu mã, hình thức chưa phong phú, chất lượng sản phẩm chưa cao. Công tác mở rộng thị trường, phát triển kênh phân phối của doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Quy mô sản xuất nhỏ, năng lực kinh doanh còn hạn chế, nhất là nguồn vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất của doanh nghiệp.

Thời gian tới, theo UBND tỉnh, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng cuộc vận động, thông tin đến người tiêu dùng về các sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt. Triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh quyết định của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Chỉ đạo sở, ngành, địa phương thực hiện các hoạt động hưởng ứng “Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới” nay là “Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam”. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng, hàng nhái nhãn mác hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam có uy tín nhằm đánh lừa người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Đề nghị đoàn kiểm tra cuộc vận động có văn bản đề nghị Bộ Công Thương sớm phê duyệt dự án điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” để thực hiện; hỗ trợ kinh phí thực hiện quảng bá sản phẩm địa phương. Đề nghị có chính sách hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp trong tỉnh tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh, cải tiến mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng kênh phân phối, mạng lưới bán lẻ tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi…

 Thu Thủy


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Thay đổi từ nhận thức