Đừng biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ dễ dàng cho các nước

18/11/2016, 10:19

Thủ tướng nêu rõ, nếu có một hàng rào kỹ thuật và luật pháp phù hợp sẽ bảo vệ được sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong nước.

Ngày 17/11, trả lời chất vấn trước Quốc hội, về vấn đề bảo vệ hàng nội địa trong quá trình hội nhập, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ông rất thấm thía ý kiến của đại biểu về việc để tràn ngập hàng hóa của các nước vào Việt Nam mà Việt Nam không có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ.

                
      
         Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn tại nghị trường

Không để doanh nghiệp Việt thua thiệt trên sân nhà

Giải đáp câu hỏi của đại biểu Thu Phương (đoàn Bắc Kạn) về phát triển kinh tế tư nhân và tình trạng doanh nghiệp Việt bị thua thiệt trên sân nhà, Thủ tướng cho biết hoàn toàn nhất trí vấn đề này.

Đảng và Nhà nước ta đề ra các chủ trương về phát triển kinh tế tư nhân, nhiều nhà đầu tư bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để sản xuất kinh doanh, nhiều mặt hàng nước ta không kém gì các nước trên thế giới nhưng đôi lúc bị thua thiệt trên sân nhà, ví dụ hàng nông sản, thực phẩm, điện tử, ô tô do những chính sách hàng rào kỹ thuật, điều kiện kinh doanh của ta chưa nhất quán.

Theo Thủ tướng, nếu có một hàng rào kỹ thuật và luật pháp phù hợp sẽ bảo vệ được sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong nước.

"Vừa qua, hàng rào kỹ thuật của chúng ta kém nên thua thiệt ở sân nhà rất nhiều. Ở Mỹ, khi họ nhập con tôm vào họ đặt ra bao nhiêu khó khăn, trở ngại về hàng rào kỹ thuật. Chúng ta đừng quá dễ dàng, đừng biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ dễ dàng cho các nước", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ thêm, vừa qua, từ sản xuất, lắp ráp ô tô cho đến sản xuất phân bón, thức ăn gia súc và nhiều mặt hàng khác chúng ta đã buông lỏng, biến thành một thị trường tiêu dùng với gần 100 triệu dân mà chưa coi trọng bảo vệ hàng sản xuất trong nước.

Thủ tướng nhấn mạnh: Sẽ thực hiện tốt cuộc vận động người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao, với chủ trương bảo vệ sản phẩm trong nước để xây dựng các tập đoàn, các công ty nhà nước và tư nhân mới phát triển, có thương hiệu để sản xuất, tiêu thụ hàng chúng ta sản xuất ra. Đây cũng là yêu cầu cấp bách trong quá trình hội nhập khi chúng ta tham gia 12 hiệp định thương mại tự do.

Gắn kết khu vực FDI với doanh nghiệp trong nước

Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (đoàn Đồng Nai) về gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI trong một nền kinh tế quốc dân thống nhất, Thủ tướng cho hay, trong thời gian qua đã thu hút được 21 nghìn dự án FDI với tổng số vốn trên 300 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2016 là năm thu hút kỷ lục trên 12 tỷ USD.

Điều này cho thấy một khối lượng vốn FDI rất lớn. Cho nên kết hợp giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước để thành một nền kinh tế thống nhất, một hệ thống doanh nghiệp thống nhất hỗ trợ lẫn nhau là rất cần thiết.

Vì vậy, theo Thủ tướng, cần phải xây dựng đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh, phát triển mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ và điều đặc biệt là bản thân nhà nước và các bộ, ngành có liên quan phải tái đầu tư FDI.

"Chúng ta chỉ chọn những doanh nghiệp cần thiết cho nền kinh tế và doanh nghiệp đó có mối liên hệ, liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp trong nước để cùng nhau phát triển. Đừng để tình trạng tất cả mọi khâu, mọi việc đều FDI làm. Chúng ta làm ra luật pháp nhưng có sự hưởng lợi từ doanh nghiệp trong nước mới là phương hướng cần thiết, đúng đắn", Thủ tướng lưu ý.

Trần Ngọc/VOV


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ dễ dàng cho các nước