Khoán có lợi thì kiên quyết làm  

08/11/2016, 08:42

BTO - Theo Bộ Tài chính, số lượng xe công của Việt Nam hiện lên tới 40.000 xe, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp nhà nước. Một xe công trung bình mỗi năm sẽ tốn chi phí khá lớn với khoảng 320 triệu đồng/năm, bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu… Như vậy, ước tính mỗi năm, 40.000 xe công sẽ tiêu tốn khoản tiền ngân sách lên tới 12.800 tỷ đồng.

Mới đây, vào ngày 3/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký quyết định về việc khoán kinh phí cho 6 Thứ trưởng và 5 Tổng cục trưởng Bộ Tài chính; trong đó, 6 vị Thứ trưởng sẽ nhận khoán tiền sử dụng xe công từ 3,96 triệu đồng đến 9,9 triệu đồng/người/ tháng cho 2 chặng từ nơi ở đến nơi làm việc mỗi ngày. Theo Bộ Tài chính, nếu thực hiện khoán kinh phí đối với một số chức danh, nhất là đối với xe phục vụ công tác chung, mỗi năm có thể tiết kiệm ít nhất 1.500 tỷ đồng.

Với việc khoán kinh phí xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc của một số chức danh của Bộ Tài chính cũng như việc tính toán đưa ra số tiền tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm trong tình hình ngân sách có nhiều khó khăn như hiện nay đã được dư luận đánh giá cao.

Cách đây mấy ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có chỉ thị về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công theo hướng hạn chế việc trang bị bằng hiện vật, chuyển dần sang cơ chế khoán. Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương trình văn bản để sửa đổi đơn giá khoán kinh phí sử dụng ô tô phù hợp cho từng nhóm chức danh và định mức ô tô phục vụ công tác chung; phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng 30-50% số lượng ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tài chính cũng được giao xác định lộ trình thực hiện chế độ khoán kinh phí sử dụng ô tô áp dụng đối với chức danh thứ trưởng và tương đương, ô tô phục vụ công tác chung. Lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương xây dựng phương án khoán kinh phí sử dụng ô tô cho một số chức danh để tổ chức triển khai, trên cơ sở lộ trình thực hiện chế độ khoán kinh phí sử dụng xe theo quy định; thực hiện việc mua sắm, sử dụng ô tô theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định.

Được biết, hiện nay Sở Tài chính cũng đã có văn bản lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương về đơn giá khoán xe ô tô trên địa bàn tỉnh cho các đối tượng có tiêu chuẩn đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc, đi công tác và khoán kinh phí sử dụng ô tô khi đi công tác đối với các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ 0,7 trở lên. Đây là bước đi cần thiết của tỉnh nhằm thực hiện chủ trương của Quốc hội về Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) và Chỉ thị  số 31/CT-TTg (ngày 2/11/2016) của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công.

Việc khoán xe công không chỉ là tiết kiệm, không những giảm lãng phí mà nhân dân nhìn vào cũng rất hoan nghênh, rút ngắn khoảng cách giữa lãnh đạo và người dân, lãnh đạo trở nên gần gũi, hòa đồng hơn, vì vậy phải kiên quyết làm. Nhìn rộng ra các quốc gia khác cũng không ít lãnh đạo trên thế giới đi bộ, đi xe đạp, xe bus, tàu điện và các phương tiện giao thông công cộng khác. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra yêu cầu đối với những ngành dịch vụ công của tỉnh là phải làm sao cung cấp kịp thời dịch vụ và đảm bảo được an toàn cho các lãnh đạo khi đi lại, công tác. Để chủ trương đi vào hiện thực thiết nghĩ Sở Tài chính cần tiến hành rà soát, lập phương án so sánh tổng chi phí một đầu xe ô tô theo hình thức mua mới (tiền mua xe, sửa chữa, bảo hành, tiền xăng, lái xe...) và hình thức thuê xe, từ đó đề xuất phương án thí điểm thuê xe phục vụ công tác cho các sở, ngành, huyện, thị, thành phố.

Cùng với việc khoán xe công (xe ô tô phục vụ chức danh và xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan nhà nước), tỉnh cần nghiên cứu để mở rộng khoán ra các lĩnh vực khác như nhà công vụ, điện thoại công vụ tại nhà riêng, điện thoại di động và các tài sản khác theo chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công. Tài sản công có giá trị rất lớn và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của từng quốc gia và mỗi địa phương. Vì vậy cần phải có cơ chế sử dụng tài sản công một cách tiết kiệm, hợp lý là “để khôi phục và xây dựng kinh tế chung, để làm cho dân giàu, nước mạnh, để nâng cao đời sống nhân dân”.

Hồng Lê


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khoán có lợi thì kiên quyết làm