Cần có chính sách ưu đãi cho hoạt động du lịch cộng đồng

21/11/2016, 10:01

BTO- Trong phiên thảo luận của Quốc hội vào chiều ngày 18/11 về góp ý dự án Luật Du lịch, bà Nguyễn Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đã tham gia một số vấn đề về Chính sách phát triển du lịch.

Để du lịch phát triển đúng như là một ngành kinh tế mũi nhọn, bà Phúc đề nghị dự án Luật cần quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề truyền thống, có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động du lịch cộng đồng. Vì đây là những loại hình du lịch đang được ưa chuộng, huy động được sự tham gia của cộng đồng và mang tính bền vững cao. Bên cạnh đó, vì du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nên ngoài việc bố trí ngân sách Nhà nước cho hoạt động phát triển du lịch theo qui định của luật Ngân sách nhà nước, đối với các khu du lịch quốc gia sẽ do ngân sách Trung ương đầu tư. Góp phần tạo điều kiện cho các khu du lịch quốc gia tại các địa phương phát triển ngang tầm quốc gia và khu vực.

Về sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch, cần quy định cộng đồng dân cư phải có trách nhiệm góp phần phát triển du lịch. Đồng thời, bên cạnh việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường, cộng đồng dân cư cần tuân thủ pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm vì đây là vấn đề quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp  đến chất lượng của hoạt động du lịch. Cũng theo bà Phúc, hoạt động du lịch liên quan đến tính mạng, tài sản con người, an ninh quốc gia và hình ảnh của đất nước... nên cần có quy định về thanh tra của nhà nước, giám sát của cộng đồng đối với hoạt động du lịch.

Trong quy định điều kiện kinh doanh lữ hành, ngoài quy định như dự luật về đăng ký kinh doanh, ký quỹ và địa điểm, bà Phúc cho rằng cần quy định điều kiện về trình độ, năng lực của người lãnh đạo kinh doanh lữ hành và số lượng hướng dẫn viên cần có vào điều kiện kinh doanh lữ hành.

Về các loại cơ sở lưu trú du lịch, thực tế đã xuất hiện loại hình khách sạn bệnh viện phục vụ khách nước ngoài sang lưu trú khám chữa bệnh kết hợp du lịch; đây là loại hình đã tồn tại và hoạt động rõ nét trong thời quan qua. Vì thế, để hoàn thiện hơn trong quản lý cơ sở lưu trú du lịch, theo bà Phúc, loại hình cơ sở lưu trú du lịch này cần quy định rõ trong Luật để quản lý như các cơ sở lưu trú là khách sạn, biệt thự, căn hộ, tàu thủy lưu trú du lịch, bãi cắm trại du lịch, nhà nghỉ...

Khắc Điều


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần có chính sách ưu đãi cho hoạt động du lịch cộng đồng