Sớm điều chỉnh tăng mức tiền khoán bảo vệ rừng

16/11/2016, 08:26

BT- Ông K’ Văn Chiến, ngụ tại xã Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc) phản ánh: Từ năm 2002 đến nay gần 100 hộ dân trong xã được nhận khoán bảo vệ rừng. Hàng năm rừng nhận khoán được bà con quản lý bảo vệ tốt không để xảy ra cháy rừng, khai thác rừng trái phép. Song, hiện nay mức tiền khoán bảo vệ rừng còn quá thấp. Đề nghị tỉnh chỉ đạo ngành chức năng cần sớm điều chỉnh mức tiền khoán bảo vệ rừng theo quy định của Chính phủ.

                
Tuần tra bảo vệ rừng ở xã Đông Tiến (Hàm    Thuận Bắc).

Chúng tôi được biết: Từ năm 2002 thực hiện nghị quyết 04 của Tỉnh ủy (khóa X) về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó đến nay các cấp và ngành chức năng quản lý bảo vệ rừng đã tổ chức giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho 2.377 hộ bảo vệ 86.391,44 ha rừng ở địa bàn Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Bắc Bình, Tuy Phong. Bình quân mỗi hộ được nhận khoán 36,34 ha rừng để quản lý, bảo vệ và thu nhập bình quân tiền công giữ rừng mỗi hộ là 7,27 triệu đồng/năm. Mới đây, trong một lần tiếp xúc với bà con DTTS xã La Ngâu (Tánh Linh), ông Nguyễn Văn Thơ bức xúc nói với chúng tôi: “Những năm, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng được BQL rừng phòng hộ Trị An chi trả tiền hỗ trợ giao khoán theo mức cũ là chưa hợp lý (200.000 đồng/ha/năm) và trả chậm. Mặt khác, chủ rừng cần chi trả tiền nhận khoán bảo vệ rừng tại UBND xã để thuận tiện cho người dân hơn, thay vì phải đến trụ sở của đơn vị nhận tiền...”

Bình Thuận là một tỉnh nghèo, hàng năm chưa tự cân đối được ngân sách còn phải tiếp nhận trợ cấp cân đối ngân sách của Trung ương. Vì vậy, ưu tiên thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, hàng năm ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 17 tỷ đồng để thực hiện giao khoán bảo vệ rừng với mức 200.000 đồng/ha/năm. Định mức này bằng với mức bình quân được Thủ tướng Chính phủ quy định tại quyết định số 60/2010/QĐ-TTG ngày 30/9/2010 và được UBND tỉnh cho phép thực hiện (tại quyết định 1254/QĐ-UBND ngày 7/6/2011). Tuy nhiên, ngày 9/9/2015 Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2015/NĐ-CP về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2020. Tại nghị định này Chính phủ quy định mức diện tích rừng nhận khoán được hỗ trợ theo quy định tối đa là 30ha/hộ và được hỗ trợ tiền khoán bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm. Ngày 27/6/2016 liên Bộ Tài chính – Nông nghiệp và PTNT đã ban hành thông tư liên tịch số 96 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 75 của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng, trong đó nâng mức khoán bảo vệ rừng từ 200.000 đồng lên 400.000 đồng/ha/năm; áp dụng từ tháng 11/2015 và thông tư liên tịch trên có hiệu lực từ  ngày 10/8/2016.

Theo ông Mai Kiều, Giám đốc sở Nông nghiệp – PTNT, nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của liên Bộ Tài chính – Nông nghiệp và PTNT chưa triển khai được là do ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa cân đối được nguồn chi trả cho người nhận khoán. Hiện Sở Nông nghiệp – PTNT và Sở Tài chính đang tham mưu cho UBND tỉnh có kế hoạch thực hiện Nghị định của Chính phủ và thông tư liên bộ trong thời gian tới.

HỒ NHẬT


Related articles

(0) Comments
Focus
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh họp phiên thứ 10
BTO-Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh tổ chức phiên họp để thảo luận, cho ý kiến về kết quả hoạt động quý I và phương hướng, nhiệm vụ quý II/2024. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh -Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) tỉnh chủ trì phiên họp.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sớm điều chỉnh tăng mức tiền khoán bảo vệ rừng