Phải có quy hoạch hợp lý và khoa học

03/11/2016, 16:13

BTO - 1. Tin mới nhận: từ ngày 15/11 tới đây, các cơ sở thu mua phế liệu (bà con ta hay gọi là ve chai) trong nội thành Phan Thiết buộc phải di dời ra vùng ngoại thành, nếu không sẽ bị cưỡng chế. Phan Thiết có khoảng 110 cơ sở phế liệu, trong đó rất nhiều cơ sở ọp ẹp, nhếch nhác, hôi thối, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Dư luận ủng hộ việc Tp.Phan Thiết cương quyết di dời các cơ sở phế liệu ra khỏi trung tâm thành phố. Chúng ta không cấm cản bà con lao động nghèo mưu sinh bằng nghề ve chai. Nhưng vì một thành phố sạch hơn, đẹp hơn và an toàn hơn để làm du lịch, thì quy hoạch các cơ sở thu mua phế liệu ra vùng ngoại thành là điều tất yếu phải làm.

2. Tương tự, từ ngày 1/10/2016, Tp.Phan Thiết cấm bẫy tôm hùm con từ vùng biển phường Mũi Né đến vùng biển phường Hưng Long, sau đó sẽ có lộ trình cấm hẳn nghề này hoạt động trên vùng biển Phan Thiết vào năm 2018.

Bẫy tôm hùm con không phải nghề truyền thống của ngư dân Phan Thiết, mới có từ năm 2011 lại đây, có khoảng 500 hộ nghề này, chủ yếu ngư dân nghèo thiếu phương tiện ra khơi đánh bắt.

Ảnh Ngọc Lân

Lệnh cấm trên gây lo lắng về việc làm - thu nhập cho bà con ngư dân làm nghề này, cùng với yêu cầu chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ đời sống cho bà con. Nhưng nghề này ảnh hưởng lớn đến du lịch, du khách và các cơ sở du lịch kêu ca rất nhiều về tình trạng thả bông tôm giăng bắt tôm hùm con chằng chịt, dày đặc trên các bãi tắm. Làm sao phát triển du lịch biển, thể thao biển nếu để nghề này hoạt động như thế? Cần quy hoạch nghề bẫy tôm hùm con được hoạt động ở vùng biển nào để không ảnh hưởng đến du lịch, đó là việc tiếp theo của các ngành chức năng.

3. Làng nghề cá cơm Mũi Né (Phan Thiêt ) lúc thịnh có đến hơn 100 cơ sở chế biến cá cơm khô hoạt động nhộn nhịp, sản phẩm tiêu thụ khắp trong và ngoài nước, tạo việc làm, thu nhập cho hơn 2.000 lao động địa phương.

Nhưng du khách và các cơ sở du lịch ở Mũi Né than phiền cứ đến mùa vụ cá cơm là Mũi Né lại ngập trong ruồi và mùi hôi thối. Nước thải từ các lò hấp cá không được xử lý chảy tràn ra lênh láng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến “thiên đường” nghỉ dưỡng sát bên. Có ý kiến đề nghị dẹp bỏ làng nghề cá cơm này để Mũi Né tập trung phát triển du lịch.

Ảnh Ngọc Lân

Ý kiến khác (tỉnh táo hơn) cho rằng phải làm sao giữ được làng nghề cá cơm mà vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường để làm du lịch. Vì mỗi vùng, miền đều phải giữ gìn bản sắc riêng của mình, vừa là sinh kế của người lao động làng biển. Xa hơn nữa là biến làng nghề cá cơm thành điểm du lịch cộng đồng, trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến Mũi Né. Nhà nước cần quy hoạch làng nghề cá cơm vào một khu vực, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải, sản xuất hiện đại hơn.

Trong quá trình phát triển, đôi khi sự phát triển của nghề này lại mâu thuẫn gay gắt, thậm chí triệt tiêu sự phát triển của nghề khác (ở Bình Thuận là tác động giữa nghề cá và du lịch, khai khoáng titan với du lịch, giữa công nghiệp có khói (nhiệt điện) và công nghiệp không khói…). Vì vậy phải có quy hoạch hợp lý, khoa học, tầm nhìn xa, hạn chế sự xung khắc ấy để các ngành nghề hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Đặng Dũng


Related articles

(0) Comments
Focus
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phải có quy hoạch hợp lý và khoa học