Xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao thu nhập cho người dân

19/11/2016, 10:53

BTO - Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Bình Thuận đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Đến cuối tháng 9/2016, bình quân toàn tỉnh đạt 14,43 tiêu chí/xã, cao hơn mức bình quân của cả nước 1,33 tiêu chí/xã; có 26 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 27,08%, vượt 5 xã so kế hoạch và cao hơn bình quân chung cả nước là khoảng 20%; có Phú Quý đạt huyện nông thôn mới, là huyện đảo đầu tiêu của cả nước đạt chuẩn.

Tuy nhiên, kết quả đưa lại chưa toàn diện, các địa phương phần lớn tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông mà chưa có sự chuyển biến rõ nét trong việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân.

         
   

   

      Một góc huyện đảo Phú    Quý.

Vì lẽ đó, trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã đặc biệt chú trọng gắn phát triển sản xuất với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mục tiêu đến năm 2020 có 80% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 10 về thu nhập, có 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 12 về lao động có việc làm thường xuyên, có 85% số xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất. Cùng với đó có 4 huyện đạt chuẩn tiêu chí số 6 về hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung hoặc có mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện trong Bộ tiêu chí huyện.

Để đạt được mục tiêu đề ra, trong quá trình tổ chức thực hiện các địa phương cần chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động, giảm chí phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và nâng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất, tập trung chỉ đạo phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp, hiệu quả mà nòng cốt là HTX nông nghiệp kiểu mẫu.

Quy hoạch và triển khai có hiệu quả các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng mô hình sản xuất quy mô lớn theo chuỗi giá trị; tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực của huyện. Phát triển ngành nghề nông thôn bao gồm bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông thôn; tiếp tục duy trì làng nghề hiện có, khuyến khích phát triển mới; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm làng nghề. 

Một trong những giải pháp hết sức quan trọng nữa là cần phải chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Dạy nghề lao động nông thôn phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, phù hợp với tình hình xã hội của từng địa phương với phương châm “đào tạo cái mà xã hội cần chứ không phải đào tạo theo cái mình có”. Mở rộng các hình thức đào tạo nghề gắn với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới; nhân rộng các mô hình tốt trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

 Thực tế cho thấy, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nếu chỉ nhấn mạnh đến vấn đề điện, đường, trường, trạm... thì chưa đủ, mà cái quan trọng là cần phải bảo đảm vấn đề nâng cao thu nhập cho người nông dân. Chính vì vậy, cần phải chú trọng phát triển kinh tế nông thôn gắn liền với xây dựng nông thôn mới, tạo ra một cơ chế mới để làm sao nông nghiệp có một giá trị gia tăng cao. Lúc đó, người dân có thể tiếp cận được với các ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo đảm cuộc sống ngày càng được nâng lên. Đó cũng chính là yếu tố cốt lõi để xây dựng nông thôn mới của Bình Thuận trong giai đoạn hiện nay.

Thế Nam


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao thu nhập cho người dân