“Cẩn trọng khi cho phép nhấn chìm các vật liệu sau nạo vét xuống biển”

11/11/2016, 09:50

BTO- Sau khi có thông tin Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận lên tiếng việc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đang xin ý kiến về việc nhấn chìm 1,5 triệu m3 vật liệu sau nạo vét xuống biển. Nhân dịp đi công tác Tuy Phong, chúng tôi đã cùng ông Phan Tấn Khế, Chủ tịch Hội Nông dân Bình Thuận  xuống Vĩnh Tân.

                              
      Tham quan tại Công ty Nam Miền Trung
      Biển lở sát các trại tôm

Đi dọc đường QL 1A đoạn Vĩnh Tân, rất nhiều cơ sở nuôi tôm khá hoành tráng. Vào công ty  TNHH Đầu Tư Thủy Sản Nam Miền Trung, gặp anh Dương Văn Thảo- Phó Giám đốc kỹ thuật và anh Nguyễn Tùng Lâm - trợ lý Tổng Giám đốc cũng tỏ vẻ bức xúc khi nói về việc này. Được biết, Công ty Nam Miền Trung được thành lập từ năm 2007, Công ty Nam Miền Trung đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất tôm giống thẻ chân trắng. Hiện tại, hệ thống cơ sở sản xuất phủ khắp từ các tỉnh miền Trung tới Đồng bằng sông Cửu Long, được đầu tư đồng bộ hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, an toàn sinh học cao. Hạt nhân hệ thống này là Trung tâm sản xuất tôm giống Nam Miền Trung tại Tuy Phong với quy mô 1.500 bể nuôi, 17 ao nuôi tôm thịt mô hình, năng lực sản xuất tôm giống từ 10 đến 12 tỷ con giống/năm. Theo ông Thảo, nuôi tôm quan trọng nhất là “nuôi nước”. Trong toàn bộ quy trình nuôi tôm, Nam Miền Trung sử dụng hoàn toàn bằng nước biển tự nhiên được lấy ở xa bờ để tránh các nguồn ô nhiễm và được lọc bằng công nghệ xử lý tiên tiến. Nước mặn được lấy tại vùng biển Cà Ná, cách bờ khoảng 10 km. Hàng ngày, các tàu khai thác khoảng 1.500 m3 nước biển, cung cấp cho quy trình sản xuất. Vị trí lấy nước được khảo sát, quan trắc thường xuyên, đảm bảo các chỉ tiêu đầu vào. Sau đó nước biển được lọc thô trước khi đưa vào ao lắng, lọc tinh và chuyển vào nhà chứa có mái che. Ở bước tiếp theo, nước biển được khử khuẩn bằng công đoạn chiếu tia UV và chuyển tới khâu lắng trại. Nước ở giai đoạn này sẽ được phòng xét nghiệm kiểm tra để đảm bảo đạt các chỉ tiêu sinh hóa và được lọc một lần nữa qua lõi 1.0 và 0,5µm trước khi bơm tới bể ương. Chính vì thế mà khâu nước rất quan trọng nên khi nghe thông tin Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đang xin ý kiến để nhấn chìm các vật liệu sau khi nạo vét xuống biển doanh nghiệp rất lo lắng và không đồng tình. Ngành nông nghiệp đã hoạch định chiến lược phát triển nền nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường sống, nhưng bây giờ nơi mệnh danh là “thủ đô” tôm giống chất lượng lại đứng trước nguy cơ đe dọa bị xóa sổ vì môi trường. Nước biển không thể đứng yên một chỗ, khi nạo vét và nhấn chìm như vậy tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến môi trường biển, môi trường nước là điều không tránh khỏi. Hiện nay môi trường nước biển cũng đã giảm sút chất lượng, người nuôi tôm càng gặp nhiều khó khăn hơn…

Ông Võ Duy Tình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Phong, trước đây cũng từng làm lãnh đạo xã Vĩnh Tân, dẫn chúng tôi xuống xóm 7, thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân. Chạy khoảng một đoạn là thấy một con đường nhỏ dẫn ra biển. Cả một đoạn dài biển lở ăn vào sát chân các trại tôm. Tình bảo: “Biển lở lâu rồi, nhưng tốc độ còn chậm,  hiện giờ thì tốc độ mau hơn”. Chỉ tay ra mấy cái bè tôm xa xa, anh nói thêm: “Trước bè tôm bà con nuôi nhiều lắm, thậm chí ngay sát bờ luôn, giờ nước đã ô nhiễm nên bà con đi chỗ khác hết, chỉ còn vài bè nhưng kéo ra tận ngoài kia”. “Còn Hòn Cau, chúng tôi mới làm dự án “Bảo vệ rùa biển phục vụ phát triển du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau”,Dự án được chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam, Quỹ môi trường toàn cầu GEF tài trợ với tổng kinh phí đầu tư là 1.780 triệu đồng. Thời gian thực hiện dự án trong 2 năm. Nếu cho nhấn chìm gần Hòn Cau như vậy e rằng ô nhiễm môi trường biển là cái chắc”. Sau khi khảo sát hỏi thăm tình hình bà con ông Phan Tấn Khế cũng khá trăn trở về vấn đề này, theo ông các cấp, ngành nên cân nhắc việc cho nhấn chìm như đã nói, nhấn chìm những cái gì, nhấn chìm ở đâu, có gây tác hại đến môi trường biển hay không? Có ảnh hưởng đến sự sống còn của các doanh nghiệp nuôi tôm ở đây không?

Được biết, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận đã đăng ký làm việc với các Bộ, ngành liên quan về vấn đề nhấn chìm các vật liệu gồm bùn, cát, đất…sau nạo vét tạo luồng hàng hải, vũng quay tàu, khu bến trước nằm trong vùng quy hoạch của cả Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Hy vọng vấn đề sẽ được giải quyết thấu đáo, bảo vệ môi trường biển trong lành và sự phát triển của các doanh nghiệp nuôi tôm, sinh kế người dân nơi đây.

Thu Thủy


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Cẩn trọng khi cho phép nhấn chìm các vật liệu sau nạo vét xuống biển”