Doanh nghiệp, người tiêu dùng lên tiếng

27/10/2016, 09:08

Ông Lê Trần Phú Đức - Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước mắm Phan Thiết: “Cần bảo tồn và phát triển nước mắm truyền thống”

BT- Để làm được điều đó, trước hết người tiêu dùng phải phân biệt được nước mắm và nước chấm; phải định nghĩa được nước mắm truyền thống và không truyền thống... Nước mắm truyền thống tức là ngoài cá và muối, thì không sử dụng bất cứ chất tạo màu, tạo mùi nhân tạo và bất kỳ chất bảo quản nào. Nếu đã sử dụng những thành phần trên thì không còn là nước mắm truyền thống. Riêng những sản phẩm dưới 10 độ đạm thì buộc phải ghi 2 chữ “nước chấm” rõ ràng để phân biệt với nước mắm.  Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm chỉ có 4 độ đạm nhưng không ghi rõ nước mắm hay nước chấm, thông tin lập lờ làm người tiêu dùng rất khó phân biệt. Do đó, chỉ cần các cơ quan chức năng quy định rõ những thông tin dán trên nhãn sản phẩm như: chất tạo màu, tạo mùi, chất bảo quản… đặc biệt là độ đạm để người tiêu dùng tiếp tục không bị lừa. Hiện nay, nhiều công ty sản xuất nước mắm thay vì ghi độ đạm thì họ cố tình “lái” sang ghi protein. Trên nhiều chai nước chấm ghi là 25g protein, làm người tiêu dùng hiểu nhầm là 25 độ đạm! Tuy nhiên, 1 độ đạm chỉ bằng 6,25g protein. Tức là những sản phẩm ấy thực chất chỉ có 4 độ đạm! Đó là một trong những chiêu gian lận thương mại mà ngành chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn và có chế tài xử lý nghiêm. Do đó, để nước mắm truyền thống ngày càng phát triển, hướng đến thị trường xuất khẩu thì cần có những chỉ tiêu kỹ thuật rõ ràng để các nước khác không nhầm tưởng nước mắm là nước chấm. Còn nước mắm ngon hay dở  hãy để thị trường quyết định.

 Chị Lê Phương Hải, phường Phú Hài: “Rất phân vân…”

Một tuần qua nghe thông tin nước mắm truyền thống nhiễm thạch tín độc hại, tôi rất phân vân. Như mọi người ở vùng chuyên sản xuất nước mắm truyền thống của  Phan Thiết, gia đình tôi  làm nước mắm để dùng hàng ngày. Do đó, thông tin trong nước mắm có chất độc gì đó thì khó tin quá. Bao đời nay người dân ở đây đều dùng nước mắm, chẳng ai nghe đến việc nhiễm thạch tín gì cả. Vì ngoài cá ướp muối, các gia đình làm nước mắm nhỏ lẻ không hề bỏ thêm chất gì khác. Do đó, nước mắm truyền thống thường có màu đen đậm và khá mặn, không ngọt như nước mắm công nghiệp. 

 Ông Trần Văn Lý - khu phố 3,  Phú Thủy:  “Cạnh tranh không lành mạnh”

Khi nghe thông tin nước mắm truyền thống bị nhiễm thạch tín hơn 67%, tôi và gia đình rất hoang mang, cảm thấy mất niềm tin khi thông tin của báo chí liên tục “đá nhau”. Thật sự không biết nên tin thông tin nào. Trước đây, gia đình tôi  hay dùng nước mắm của các cơ sở ở địa phương sản xuất. 2 năm trở lại đây, gia đình tự muối mắm, chỉ khoảng 1 tạ cá/năm và cảm giác ăn rất ngon miệng với nước mắm đậm đà hương vị. Rất may,  ngày 22/10, Bộ Y tế đã giải oan cho nước mắm truyền thống, người tiêu dùng cảm thấy nhẹ lòng. Qua sự việc này, người tiêu dùng phải rất khó khăn để chọn được thực phẩm sạch, an toàn trước quá nhiều thông tin nhiễu và những cạnh tranh không lành mạnh.

M.V – K.H (ghi)


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp, người tiêu dùng lên tiếng