“Cánh đồng lớn” làm thay đổi ý thức sản xuất nhỏ

08/11/2016, 16:10

BTO - Trong khi nhiều địa phương khác nông dân sản xuất nông nghiệp manh mún, tùy tiện sử dụng giống, lịch thời vụ hoặc tùy tiện chuyển đổi cây trồng không phù hợp với thổ nhưỡng thì ở huyện Tánh Linh đã xây dựng mô hình “cánh đồng lớn” liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, làm thay đổi ý thức của người nông dân về sản xuất nhỏ.

         
   

   

         Làm kênh mương nội đồng  “cánh đồng lớn”.

Từ mô hình thí điểm…

Tánh Linh là vựa lúa lớn của tỉnh với diện tích đất lúa khoảng 11.000 ha nằm dọc theo thung lũng sông La Ngà, sản xuất 3 vụ và được bố trí tập trung ở 12 xã, thị trấn. Tuy hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng có chiều dài hơn 190km chưa được kiên cố hóa nhiều, nhưng qua từng năm đều được nâng cấp dần đáp ứng nhu cầu trước mắt về vận chuyển vật tư, nông sản; đáp ứng nhu cầu bơm tưới phục vụ sản xuất. Xuất phát từ mô hình điểm 100 ha lúa chất lượng cao tại 3 xã Nghị Đức, Huy Khiêm và thị trấn Lạc Tánh sử dụng một chủng loại lúa, cùng áp dụng các biện pháp kỹ thuật đã tạo được tính đồng bộ về thời gian nuôi trồng, phòng trừ sâu bệnh đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong việc sản xuất lúa chất lượng cao. Tuy nhiên, khi tổ chức thực hiện mô hình này chưa có sự gắn kết đầu vào, đầu ra của doanh nghiệp. Từ mô hình thí điểm trên, tháng 5/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tánh Linh đã có Nghị quyết số 04 về quy hoạch phát triển vùng lúa chất lượng cao trên địa bàn; UBND huyện cũng ban hành kế hoạch tổ chức sản xuất vùng lúa chất lượng cao giai đoạn 2010-2015 với diện tích 3.000ha tại các xã, thị trấn (xã có diện tích ít nhất như Đức Thuận là 90ha và xã có diện tích lớn nhất là Bắc Ruộng 700 ha). Để thực hiện tốt việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên một đơn vị diện tích lớn, rút ngắn khoảng chênh lệch về năng suất giữa các hộ dân, các thửa ruộng, vùng sản xuất, huyện Tánh Linh đã chỉ đạo xây dựng vùng nguyên liệu thông qua chương trình liên kết “4 nhà” sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Mô hình liên kết “4 nhà” là hình thức tập hợp nông dân sản xuất lúa và là cơ sở cho việc triển khai xây dựng “cánh đồng lớn”.

Đến…liên kết giúp nông dân

Từ năm 2012 các doanh nghiệp như Công ty TNHH sản xuất – thương mại Đại Nhật Phát; Công ty phân bón và hóa chất Đại Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị và UBND xã Nghị Đức triển khai thực hiện trên diện tích 100ha, thu hút 310 hộ dân tham gia. Xã Nghị Đức đã thành lập tổ làm đất, bơm nước, thu hoạch… để giúp nông dân sản xuất, sử dụng một loại giống gieo sạ và gieo sạ đồng loạt, né rầy… nên đã đạt năng suất lúa bình quân của vụ mùa hơn 70 tạ/ha, cao hơn 10 tạ so với sản xuất ngoài vùng; chất lượng gạo ngon hơn. Từ hiệu quả của Nghị Đức, UBND huyện Tánh Linh đã tổ chức hội thảo đánh giá mô hình và nhân rộng đến các địa phương khác. Trong các vụ đông xuân 2012 - 2013, 2013 - 2014 các doanh nghiệp nói trên tiếp tục triển khai tại địa bàn Đức Phú, Nghị Đức, Bắc Ruộng, Huy Khiêm, Đồng Kho, Đức Bình, mỗi năm thực hiện từ 400 - 500ha. Từ vụ đông xuân 2014 - 2015 đến nay các xã đã thực hiện theo mô hình “liên kết 4 nhà” với diện tích gần 1.100ha. Trong đó, nhà khoa học, nhà nước lo nghiên cứu, ứng dụng giống lúa, triển khai tập huấn hội thảo mô hình; nhà doanh nghiệp ký kết với nhà nông ứng trước phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua lại sản phẩm của nông dân; còn nông dân có trách nhiệm đầu tư, chăm sóc đồng ruộng theo quy trình kỹ thuật, thu hoạch sản phẩm bán cho doanh nghiệp. Kết quả cuối vụ cho thấy lợi nhuận bình quân sản xuất lúa “chất lượng cao” cao hơn lợi nhuận sản xuất lúa bình thường gần 4 triệu đồng/ha.

Và hiệu ứng xã hội

Chương trình lúa “chất lượng cao” ở Tánh Linh đã tạo ra được lượng sản phẩm hàng hóa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ; giúp nông dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Sử dụng giống lúa xác nhập để gieo sạ, giảm lượng lúa giống (hiện còn 180-200kg/ha); giảm áp lực sâu bệnh gây hại, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đến nay, chương trình đã lan tỏa rộng, 90% diện tích sản xuất lúa trong huyện Tánh Linh đều sử dụng giống lúa chất lượng cao. Mặt khác, qua mô hình này đã tập hợp được đông đảo nông dân tham gia, giúp nông dân có điều kiện về chi phí đầu vào phục vụ thâm canh cây lúa theo quy trình kỹ thuật; tạo ra sản phẩm đồng bộ về chất lượng và có sức cạnh tranh trên thị trường lúa gạo; giảm được áp lực tiêu thụ khi thu hoạch. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp mới tiêu thụ khoảng 30% sản phẩm, còn lại do nông dân tự bán ra ngoài cho thương lái.

Chương trình lúa “chất lượng cao”, mô hình liên kết “4 nhà” để xây dựng “cánh đồng lớn” ở Tánh Linh đã tạo hiệu ứng xã hội rõ nét, đó là: Tạo nền tảng cho việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa tại địa phương; giúp nông dân mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao; nông dân đã thực hiện đồng loạt lịch thời vụ nên hạn chế sâu bệnh gây hại; hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng được hoàn thiện bảo đảm cơ giới hóa di chuyển trên đồng ruộng góp phần đáng kể công việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, xây dựng thương hiệu lúa gạo của địa phương và sản lượng lương thực của huyện Tánh Linh đã đạt đến con số 170.000 tấn/năm 2015, tăng 22.000 tấn so với 5 năm trước

Nhật Bảo


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Cánh đồng lớn” làm thay đổi ý thức sản xuất nhỏ