Giám đốc Khu bảo tồn biển Hòn Cau:  Nếu đánh đắm thải, biển Hòn Cau sẽ ảnh hưởng

09/11/2016, 09:29

BTO - Thời gian gần đây dư luận đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường trước việc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, xã Vĩnh Tân Huyện Tuy Phong xin phép nhấn chìm hơn 1,5 triệu m3 vật liệu nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 trên vùng biển gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Để phân tích rõ hơn về những nguy cơ gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái Khu bảo tồn biển Hòn Cau từ dự án trên, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Văn Thải – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, Giám đốc Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Phóng viên: Xin chào ông, những ngày qua, dư luận rất quan tâm đến việc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xin phép nhấn chìm hơn 1,5 triệu m3 chất nạo vét trong quá trình thực hiện dự án cảng chuyên dùng ra khu vực biển gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Về phía Khu bảo tồn biển Hòn Cau, ông có ý kiến gì về việc này?

Ông Huỳnh Văn Thải: Khu vực biển Hòn Cau và khu vực biển Tuy Phong, Bình Thuận là vùng biển nước trồi. Ở đây sinh vật phù du và thức ăn phong phú, tập trung các bãi đẻ của các loài cá và đặc biệt là đến mùa các đàn cá nổi di cư, tập trung về đây rất đông nên vùng biển này rất nhạy cảm đối với môi trường trong đó có hệ sinh thái của rạn san hô. Như chúng ta biết, nếu nhiệt độ tăng lên một độ thôi thì san hô sẽ bị tẩy trắng và chết hoàn toàn. Hay những chất lơ lửng trôi, trầm tích bám lên mặt san hô cũng khiến san hô ngộp thở và chết. Chính vì thế nên chúng tôi rất quan tâm và đề nghị nếu có dự án cho phép xả thải thì phải có một báo cáo quan trắc đánh giá môi trường trước, trong và sau khi xả thải. Những dữ liệu và con số chính xác đó phải được phân tích rất khoa học xem có ảnh hưởng đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau hay không? Nếu có ảnh hưởng thì ảnh hưởng đến mức độ nào? Khu vực, tọa độ, vị trí dự kiến xả thải hiện chúng tôi chưa biết, đặc biệt là thời gian bắt đầu và kết thúc xả thải chúng tôi cũng chưa biết. Hai yếu tố này rất quan trọng để biết được khoảng cách và nguy cơ rủi ro ảnh hưởng đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau tới đâu.

Ông có thể cho biết rõ hơn về mối lo ngại của Khu bảo tồn biển Hòn Cau đối với dự án  nhấn chìm hơn 1,5 triệu m3 chất nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 vừa đề xuất?

Ông Huỳnh Văn Thải: Hiện tại, môi trường Khu bảo tồn biển Hòn Cau còn tương đối tốt nhưng nếu áp lực về rác thải sinh hoạt và ô nhiễm công nghiệp thì chúng tôi rất quan tâm, lo ngại. Những dự án chưa phê duyệt thì chúng tôi đề nghị nên cân nhắc trước khi phê duyệt nếu có ảnh hưởng đến môi trường biển. Những dự án đã phê duyệt rồi thì phải có giám sát đối với những cam kết của nhà đầu tư liên quan đến môi trường. Theo tôi nên chọn phương án đổ chất thải vào khu vực lấn biển ở cảng Vĩnh Tân là tốt nhất vì nhấn chìm một lượng lớn chất thải gần khu bảo tồn thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng.

 Như ông đã phân tích ở trên, theo ông có nên cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 thực hiện việc nhấn chìm chất nạo vét ở gần khu vực Hòn Cau?

Ông Huỳnh Văn Thải: Nếu chúng ta có phương án nào tốt nhất thì nên chọn phương án không đánh đắm tại khu vực biển gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Theo tôi, không phải riêng Khu bảo tồn biển Hòn Cau mà vùng biển Tuy Phong là vùng biển đa dạng sinh học do đó nếu bị tác động sẽ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội ở địa phương.

         
         
   
         
   
         
   
         
   

Minh Chương


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giám đốc Khu bảo tồn biển Hòn Cau:  Nếu đánh đắm thải, biển Hòn Cau sẽ ảnh hưởng