Việc “nhận chìm ở biển” phải có sự giám sát chặt chẽ

04/11/2016, 11:13

LTS: Xung quanh việc Sở Tài nguyên & Môi trường Bình Thuận có ý kiến với Bộ Tài nguyên & Môi trường về dự án xả chất thải nạo vét luồng lạch cửa biển của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở vùng biển Vĩnh Tân. Để giúp bạn đọc hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Minh Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Biển & Hải đảo (Sở Tài nguyên & Môi trường). 

         
   

         

            Ông Tạ Minh Mạnh.

Thưa ông, cơ sở nào Sở Tài nguyên & Môi trường có ý kiến với Bộ Tài nguyên & Môi trường về dự án xả chất thải nạo vét luồng lạch cửa biển của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở vùng biển Vĩnh Tân?

Ông Tạ Minh Mạnh: Trước hết xin nói rõ hơn Dự án đầu tư xây dựng bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đã thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường phê duyệt; trong đó có phương án nhận chìm ở biển. Việc triển khai, chủ đầu tư nhà máy này lại thực hiện sau ngày 1/7/2016, phải áp dụng thêm Luật Tài nguyên môi trường biển & hải đảo, là phải lập dự án xin cấp phép (tại khu vực nhận chìm ở biển nằm ngoài 6 hải lý), thuộc thẩm quyền Bộ Tài nguyên & Môi trường phê duyệt. Vừa qua, bộ có lấy ý kiến Sở Tài nguyên & Môi trường về vấn đề này. Lãnh đạo Sở đã có ý kiến rằng, vị trí đổ thải phù hợp ĐTM Bộ Tài nguyên & Môi trường phê duyệt. Hiện tại khu vực 30 ha mặt biển nằm ngoài 6 hải lý vùng biển Vĩnh Tân không có dự án đầu tư kinh tế nào được tỉnh chấp thuận. Tuy nhiên, khu vực này có luồng tàu vận tải, trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư phải làm việc với cảng vụ Bình Thuận… Hiện nay, dự án đang được Bộ Tài nguyên & Môi trường xem xét.  

Thưa ông, lượng bùn cát thải khá lớn (918.558 m3), có ảnh hưởng đến luồng lạch, sinh thái vùng biển này?

 Ông Tạ Minh Mạnh: Khu vực biển nằm ngoài 6 hải lý trên có độ sâu 25 mét, trong khi theo dự án xin phép, lượng chất thải cát sỏi ven biển nạo vét đưa ra đây chỉ bồi lấp đáy biển 0,3 mét. Còn với hệ sinh thái đảo Cù Lao Câu, trong ĐTM được Bộ Tài nguyên & Môi trường phê duyệt đã tính đến đảm bảo môi trường cho khu vực này. Tuy nhiên, khi thực hiện đổ chất thải trên, đơn vị chủ quản phải thực hiện đúng với ĐTM, phải có sự giám sát chặt chẽ của Ban quản lý nhiệt điện Vĩnh Tân, Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Câu.

Việc nhận chìm ở biển được quy định như thế nào?

 Ông Tạ Minh Mạnh: Việc nhận chìm ở biển được quy định trong Điều 57, Luật Tài nguyên môi trường biển & hải đảo là phải phù hợp tài nguyên vùng bờ; đồng thời cụ thể hóa trong Điều 60, Nghị định 40 của Chính phủ; đó là các chất nạo vét, bùn thải, các chất thải hoạt động hải sản..; đổ ra vùng biển phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Xin cám ơn ông!

Thái Khoa (thực hiện)


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
 Việc “nhận chìm ở biển” phải có sự giám sát chặt chẽ