May gia công nông thôn, thu nhập ổn định

23/11/2016, 08:50

BT - Phần đông chị em ở các cơ sở may nông thôn có một thời gian dài làm công nhân may tại TP. HCM, sau khi lập gia đình họ đều trở về quê may cho cơ sở gia công địa phương, thu nhập khá ổn định, sống được ở quê bởi giá cả không đắt đỏ, lại gần nhà, chăm sóc con cái, gia đình.

Từng làm nghề may khá lâu, anh Trần Văn Chính ở thôn 4, xã Sơn Mỹ, Hàm Tân hiểu khá rõ về nhu cầu việc làm của nhiều chị em nội trợ vùng nông thôn. Đa phần họ muốn có thêm thu nhập nhưng vẫn có thời gian để chăm lo cho gia đình. Nhận thấy việc may gia công có thể phát triển ở quê nhà nên vợ chồng anh đầu tư máy móc, mở cơ sở may gia công cho các doanh nghiệp ở TP. HCM để vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa tạo việc làm cho chị em trong xã. Cơ sở của anh hoạt động hơn 5 năm nay, giải quyết việc làm cho gần 10 lao động nữ, tạo thu nhập từ 3 triệu đồng/người/tháng. Anh Trần Văn Chính cho biết, nghề may gia công dễ học, dễ làm, có lợi thế tiện sắp xếp thời gian để chăm lo gia đình. Để làm ra một bộ đồ cần phải qua nhiều công đoạn, như: cắt vải, ráp đô, túi, se lai, vắt sổ, may. Người không biết may chỉ cần học hơn nửa tháng hoặc cùng lắm một tháng đã có thể ngồi vào máy, kiếm được tiền. Tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng người thợ cũng phải khéo tay, tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm chất lượng, thẩm mỹ.

         
   

Cũng ở xã bãi ngang này, chị Nguyễn Thị Hòe, chủ cơ sở may gia công ở thôn 2 cho biết, thông thường cơ sở của chị giải quyết việc làm cho 10 thợ làm thường xuyên, vài thợ nhận hàng làm ở nhà. Vào những đợt tựu trường, doanh nghiệp TP. HCM đặt đơn hàng nhiều, cơ sở chị giải quyết việc làm cho gần 20 lao động địa phương. Theo chị Hòe, người theo nghề này nếu chịu khó bình quân mỗi tháng thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng. Trước đây, chị Trương Thị Hiền là công nhân may của một công ty ở quận Gò Vấp, TP. HCM, nhưng từ khi có con nhỏ, chị về làm tại cơ sở may của chị Hòe, mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/ tháng. Chị Hiền chia sẻ: “Không chỉ riêng tôi, mà chị em có con nhỏ trong xã đều mừng với nghề này. Bởi không còn gò bó về thời gian như ở công ty, vừa có thể chăm sóc gia đình, có nguồn thu ổn định”.

Gần với xã bãi ngang này, khu vực chợ Cam Bình, xã Tân Phước, thị xã La Gi cũng hình thành 3 cơ sở may gia công cho các công ty ở thành phố, thu hút khoảng 20 lao động nữ; thu nhập tương tự như thợ may ở xã lân cận. Ngoài ra, hai xã ven biển gần đó là Tân Thắng, Thắng Hải (Hàm Tân) khoảng 10 cơ sở may gia công nhỏ lẻ, tạo việc làm cho phụ nữ trong vùng. Anh Trần Văn Hùng (thôn 4, Sơn Mỹ), thợ sửa máy may công nghiệp lâu năm tại địa bàn các xã trên cho hay: “Phần đông chị em các cơ sở trên đều có một thời gian dài làm công nhân may tại TP. HCM, sau khi lập gia đình họ đều trở về quê may cho cơ sở gia công địa phương, thu nhập khá ổn định, lại gần nhà, chăm sóc được con cái. Có người chịu khó, ngoài làm ban ngày ở cơ sở, họ còn nhận hàng gia công vào ban đêm, thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng/người.

Thụy Khanh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
May gia công nông thôn, thu nhập ổn định