Lên xóm Tỉnh thăm Hội quán Quảng Điền

02/11/2016, 09:18

BTO - Vào những năm đầu thế kỷ XX, nhiều người ở Quảng Điền - Thừa Thiên lục đục gồng gánh di dân vào Phan Thiết mà nơi họ chọn để an cư là xóm Tỉnh. Sở dĩ gọi là xóm Tỉnh vì trụ sở của Tỉnh đường của Chính phủ Nam triều đặt nơi đây. Sau khi ổn định cuộc sống, ông Ngô Văn Tùng vận động bà con đồng hương Quảng Điền mua 1.268 m2 đất và xây văn phòng Hội quán rộng 153,7 m2 tại số 155 - Hải Thượng Lãn Ông ngày nay, Hội quán có tên: Quảng Điền đồng huyện tương tế hội.

Theo tài liệu ông Ngô Văn Nam - con trai ông Ngô Văn Tùng - hiện là Trưởng ban quản lý Hội quán thì do các ông Thái Văn Toán, Hà Văn Ngoạn, Tôn Thất Bàn trình tấu xin xây Hội quán và được Lại bộ thị lang của Chính phủ Nam triều Trần Đình Trung chuẩn y số hiệu 80  ngày 28/6/1939, tức năm Bảo Đại thứ 14. Ngày 16/1/ 1944, năm Bảo Đại thứ 19, quan Án sát tỉnh Bình Thuận Đoàn Nẫm chuẩn y quy trình hoạt động của hội và số hội viên lúc bấy giờ là 108 người (cấp tư cách pháp nhân). Tôn chỉ của hội  là phụng thờ những người chánh quán huyện Quảng Điền đã quá vãng an táng tại Bình Thuận; kết tình giao hảo và liên lạc với những hội viên đồng huyện; tương tế, tương trợ về 2 phương diện: luân lý và tài chính trong lúc ốm đau, già yếu và bất hạnh; giúp đỡ nhau trong lúc cần thiết như: quan, hôn, tang, tế. Theo đó, để có kinh phí hoạt động, hội viên có 5 cấp. Đó là danh dự hội viên đóng góp từ 50 đồng trở lên, Ân nghĩa hội viên đóng góp từ 30 đồng trở lên, Tư trợ hội viên đóng góp từ 20 đồng trở lên, Sáng lập hội viên là những người soạn thảo ra điều lệ, chương trình hoạt động của hội. Thành phần khác đứng vào hàng Thực hành hội viên. Chương trình hoạt động của hội gồm 9 mục, 32 điều. Ban trị sự đầu tiên gồm các ông: Hội trưởng Ngô Văn Tùng, Hội phó Nguyễn Trưng, thủ quỹ Nguyễn Lương Vinh, thư ký Phan Gia Đức, 2 trị sự hội viên là Lê Sừng và Phan Gia Tước. Mỗi năm Quảng Điền đồng huyện tương tế hội tế lễ 2 lần vào ngày 13/6 ÂL để tưởng nhớ các bậc tiền hiền khai khẩn và ngày 21/12 ÂL là ngày chạp mả cho những vong hồn khi còn sống tứ cố vô thân cùng đồng huyện Quảng Điền. Cũng cần nói thêm, Quảng Điền đồng huyện tương tế hội còn có nghĩa trang riêng ở Văn Thánh về sau tỉnh quy hoạch thành khu dân cư.

         

Ông Ngô Văn Nam, năm nay 87 tuổi hiện là Trưởng ban quản lý Hội Quảng Điền cho biết, những người trong Ban trị sự đầu tiên đều là những gia đình cách mạng. Cha ông là Ngô Văn Trung sinh 3 người con đều tham gia kháng chiến. Anh của ông là Ngô Thời Đại hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, bà Ngô Thị Vân Linh (89 tuổi) là thương binh 2/4. Bản thân ông có Huân chương kháng chiến hạng ba. Trong kháng chiến làm công tác tuyên huấn của Tỉnh đội Bà Rịa – Vũng Tàu, từng làm công tác cơ yếu cho các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ. Trước khi nghỉ mất sức, ông làm cán sự y tế cho Bệnh viện đa khoa tỉnh. Bát phẩm Nguyễn Trưng không có con trai nhưng có cháu gọi bằng bác là Nguyễn Quốc Thùy là Chánh án đầu tiên của Tòa án nhân dân tỉnh Thuận Hải. Sau chuyển ra Hà Nội làm Vụ trưởng Vụ Tư pháp. Thư ký Phan Gia Đức có 2 người con trai là đại tá Phan Gia Lượng và trung tá Phan Gia An. 2 hội viên Lê Sừng và Phan Gia Tước đều có Huân chương kháng chiến.

Sau năm 1975, do bối cảnh lịch sử hội không có người đứng ra quản lý nên việc thờ phụng trở nên quạnh quẽ, hoang vắng. Năm 1990, một số ít con cháu của những người sáng lập  đã vì lòng hiếu hạnh đứng ra gánh vác việc chung của hội. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cùng góp công sức, tài lực, vật lực tu sửa lại nơi thờ phượng, trùng tu lại Hội quán, xây dựng nhà tăng, phục hồi việc hiệp kỵ hàng năm và duy trì cho đến nay. Hội hoàn toàn không có kinh phí để chi dùng khi hữu sự, sự đóng góp của bà con vào dịp hiệp kỵ hàng năm không đủ chi dùng cho việc cúng tế. Bên cạnh đó, các việc khác cũng cần chi như hương khói, hoa quả cho những ngày rằm lớn trong năm và ngày tết. Tiền điện chong đèn thờ hàng ngày, những lần hội họp… thăm viếng những gia đình trong hội gặp đau ốm, hoạn nạn, tang sự không có các khoản nào để chi. Nhiều khi Ban quản lý và Ban trị sự phải tự góp tiền để lo liệu. Ông Ngô Văn Nam ngậm ngùi: Chúng tôi ai cũng ở tuổi ngoài 80, tuổi cao, bệnh tật, sức yếu, trí tuệ thiếu minh mẫn nên tự thấy không đủ khả năng để lo tròn việc của hội đang canh cánh nỗi lo về đội ngũ kế thừa vì lớp trẻ bây giờ chỉ lo làm ăn chứ không mấy ai quan tâm đến hội. Vì vậy, ước nguyện của hội là mong muốn có một vị tu sĩ Phật giáo có đầy đủ đạo hạnh về trực tiếp quản lý Quảng Điền đồng huyện tương tế hội để ngày đêm kinh kệ, nhang đèn…

HỮU CÁN


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lên xóm Tỉnh thăm Hội quán Quảng Điền