Làm sao tránh lãng phí nguồn nhân lực đã qua đào tạo?

28/11/2016, 09:13

BT- Giáo dục đào tạo luôn là khâu quan trọng, là yếu tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Thế nhưng qua khảo sát  hiện nay cả nước có 191.000 sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm. Sinh viên ra trường không có việc làm, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Mặc dù vậy, hiện nay ở các địa phương cũng có rất nhiều các trường đại học, các trường này vẫn tiếp tục đào tạo, gây mất cân đối cung cầu.

                
      
Những phiên giao dịch việc làm thường thu    hút rất nhiều các bạn sinh viên mới tốt nghiệp. Ảnh: Đ.H

 Tại  phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trả lời nhiều câu hỏi chất vấn có liên quan đến giáo dục và đào tạo. Bộ trưởng cho biết theo tính toán hiện nay, thì trong 5 năm có khoảng 300.000 sinh viên ra trường thất nghiệp. Số sinh viên có việc làm ngay chủ yếu tập trung ở những trường có chất lượng giáo dục tốt, có bề dày, số sinh viên thất nghiệp nhiều chủ yếu ở các trường mới thành lập, hoặc trường có chất lượng giảng dạy chưa cao. Do vậy, cần tập trung siết chặt quản lý chất lượng đào tạo, không chỉ chất lượng đầu vào mà cả chất lượng đầu ra vì lâu nay chất lượng đầu ra chưa được chú trọng.

Tiến sĩ Trần Lương Công Khanh - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận cho biết, tỉnh ta hàng năm có khoảng 5.000 sinh viên tốt nghiệp đại học - cao đẳng, trong số đó có 70% về lại quê hương làm việc. Một số ngành dễ xin được việc làm như bác sĩ, kỹ sư xây dựng, kiến trúc… Số ngành nghề khác hoặc là làm công việc trái với ngành nghề, hoặc là thất nghiệp. Theo quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh thời kỳ 2011 - 2020 thì mục tiêu chung là đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng, với cơ cấu hợp lý; từng bước xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, có đội ngũ chuyên gia, quản lý giỏi để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, trước hết đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, nghề, lĩnh vực có lợi thế của tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020 tập trung một số vấn đề trọng tâm như: Tăng cường liên kết đào tạo và hợp tác quốc tế đào tạo nhân lực chất lượng cao, Tiếp tục đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành nghề mũi nhọn của tỉnh...

Thế nhưng thực tế hiện nay Bình Thuận vẫn chưa có một tổ chức hay cơ quan chuyên theo dõi vấn đề đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, để qua đó có kế hoạch và chiến lược phát triển nguồn nhân lực một cách khoa học nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời phải làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp cho các em, giúp các em chọn ngành nghề sao cho phù hợp với nhu cầu của địa phương theo từng giai đoạn. Để từ đó giúp các em ra trường có được việc làm đúng với ngành nghề đã qua đào tạo, tránh tình trạng lãng phí trong đào tạo và thất nghiệp như hiện nay.

Q.TuẤn


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm sao tránh lãng phí nguồn nhân lực đã qua đào tạo?