Thử tìm hiểu vài câu ca của lao động biển

27/10/2016, 09:47

BT- Tôi có cảm giác trong mảng văn học dân gian dường như các nhà nghiên cứu ít lưu tâm đến những câu ca của  lao động biển. Nếu có, cũng chưa thành hệ thống đầy đủ phản ánh tâm tư tình cảm của những người “ăn sóng, nói gió”.

                
Ảnh: Đình Hòa

Theo những bậc cao niên, ngày xưa cư dân phường Hưng Long, Phan Thiết rất thịnh hành nghề kéo lưới rùng. Nghề này huy động cả “nam, phụ, lão, ấu” có đến vài chục người cùng kéo. Khi kéo, họ mang đai lưng và đi thụt lùi. Một mẻ lưới đủ các loại cá, mực, nhiều nhất thường là cá mai. Vì vậy có câu: “Gỏi nào ngon bằng gỏi cá mai/ Trai nào lịch sự bằng trai lưới rùng/ Gió Nam thổi tạt Quán Thùng/ Em còn mơ tưởng trai lưới rùng không em?”

Nói đến gỏi cá mai thì đúng là ngon hết sẩy rồi. Vì vậy, câu đầu tiên thì không ai có thể chối cãi. Nhưng trai lưới rùng mà lịch sự “nhất trần đời” thì khó hiểu quá! Có người giải thích, sau khi kéo lưới về là mấy chàng thanh niên nai nịt gọn gàng đi dạo phố. Giải thích như vậy là chưa thuyết phục. Theo tôi hiểu, phải chăng là lối tự trào cho vui khi thấy những chàng thanh niên trong lao động mà nai nịt, đi thụt lùi mà cho là lịch sự? Cũng cần nói thêm rằng, nghề kéo lưới rùng là những lao động nghèo không đủ khả năng sắm tàu thuyền nên khi hiểu ra mới kết: “Em còn mơ tưởng trai lưới rùng không em?”

Nghề đi biển mang tính chất mạo hiểm, nguy cơ luôn luôn rình rập, họ ví tính mạng con người như “hồn treo cột buồm”. Tôi được nghe ông cụ ở Hưng Long, nay đang ở Khu dân cư Văn Thánh 3 đọc cho 2 câu ca nghe mà thấm thía quá đỗi: “Gái quê yên phận gái quê/ Mê con trai biển tái tê tâm hồn”. Cũng phản ánh nỗi nhọc nhằn và nguy hiểm lại có câu: “Đêm nay tôi gối tay nàng/ Ngày mai ra biển gối đàng dây neo”. Hoặc như: “Đêm nay giông gió bão bùng/ Ngày mai nhìn lại thấy chồng không vô”.

Để chỉ những người đàn ông can trường, tài trí, báo chí thường viết: “Tay chèo, tay lái”. Tiếp xúc với những cư dân đi biển mới biết viết vậy là sai mà phải là: “Tay lèo, tay lái”. Vì rằng, không ai có thể vừa chèo thuyền, vừa lái thuyền được cả. Họ giải thích, ngày xưa không có thuyền máy như bây giờ mà chỉ có thuyền buồm. Cánh buồm có sợi dây điều khiển nhằm giữ thăng bằng cho con thuyền gọi là dây lèo. Khi gió mạnh phải nới lỏng dây lèo để buồm không quá căng gió, thuyền không bị hất tung. Khi gió yếu, dây lèo phải kéo căng để buồm no gió. Vừa lái thuyền, vừa điều khiển cánh buồm qua sợi dây lèo mới đúng là người đàn ông giỏi giang, can trường.

NGUYỄN HỮU CÁN


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thử tìm hiểu vài câu ca của lao động biển