Nên mở rộng hoạt động ngoại thương ở đường biên giới

08/11/2016, 10:48

BTO - Sáng ngày 7/11, Quốc hội tiếp tục họp tại hội trường để thảo luận về Luật Quản lý ngoại thương. Các đại biểu đều cho rằng đây là một đạo luật hết sức quan trọng trong điều kiện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào thương mại quốc tế.

Cùng tham gia góp ý cho dự án luật, bà Trần Hồng Nguyên – đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng, đứng trước yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng về kinh tế, đòi hỏi phải xây dựng được cơ chế quản lý ngoại thương đáp ứng các tiêu chí về tăng tính minh bạch, tính thông suốt và tính dự báo nhằm thúc đẩy hoạt động ngoại thương theo đúng quan điểm đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII khẳng định và cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

         

Về quản lý hoạt động ngoại thương đối với các nước có chung đường biên giới. Thực tiễn cho thấy hoạt động ngoại thương biên giới giữa nước ta và các nước có chung đường biên giới có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế. Báo cáo tổng kết của Chính phủ cho thấy hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam và 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia chiếm tỷ trọng đáng kể, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất về nhập khẩu và đứng thứ 3 về xuất khẩu của Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Công thương, thời gian qua tuyến biên giới Việt-Trung vẫn duy trì được đà phát triển ở mức bình quân là 4% tháng. Quy mô của biên giới Việt - Trung tương đối lớn, chiếm tỷ trọng trung bình 24% trong tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Trung cùng giai đoạn. Với quy mô thương mại biên giới 2 nước ngày càng đa dạng và phong phú như vậy đã góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người lao động địa phương ở khu vực biên giới, đặc biệt là lao động phổ thông. Tuy nhiên, có một tồn tại mà các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt đó là do chủ yếu chúng ta xuất hàng sang các nước có chung đường biên giới bằng con đường tiểu ngạch như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo trước Quốc hội nên đã tiềm ẩn nhiều rủi ro và phụ thuộc nhiều vào chính sách phát triển thương mại biên giới của các nước này. Vì vậy, theo bà Nguyên, để góp phần khắc phục được tình trạng này, luật cần tạo được cơ chế điều hành linh hoạt hơn và mạnh dạn phân cấp hơn cho chính quyền địa phương để có thể chủ động trong quá trình hợp tác song phương ở các địa phương, nhằm đưa ra các chính sách phù hợp với từng nước có chung đường biên giới trong từng thời kỳ. Đồng thời, cần tạo điều kiện cho hoạt động mua, bán hàng hóa cho thương nhân, cư dân không chỉ giới hạn đối với những người sinh sống tại khu vực biên giới mà nên mở rộng đối với tất cả các thương nhân, cư dân trong cả nước, đặc biệt khi có nhu cầu xuất khẩu hàng nông sản như trái cây, rau quả là những loại hàng mau hỏng và mất nhiều chi phí trong quá trình bảo quản.

Về phát triển ngoại thương thông qua xúc tiến thương mại, quảng bá hàng hóa và xúc tiến thương mại có vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài. Hiện nay, nhu cầu của các hiệp hội ngành nghề cũng như các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường rất lớn. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động ngoại thương thì luật phải đưa ra được cơ chế phù hợp để đáp ứng yêu cầu nêu trên. Bà Nguyên cho rằng, trước mắt cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức hoạt động của cơ quan đại diện thương mại Việt Nam thuộc cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cho phù hợp với tình hình hiện nay. Đồng thời, cần quan tâm đầu tư về nguồn lực, tài chính và con người để thực thi nhiệm vụ này. Cũng về vấn đề quản lý nhà nước về ngoại thương, ông Ngô Đức Mạnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng dự thảo luật cần thiết kế thêm các điều, khoản quy định về trách nhiệm của cơ quan chính quyền địa phương, kể cả hiệp hội ngành nghề trong quản lý nhà nước về ngoại thương để nâng cao hiệu lực quản lý của nhà nước về lĩnh vực này.

Tuy nhiên, cũng theo bà Nguyên, để có thêm thực tiễn kiểm nghiệm và tìm được mô hình cơ quan xúc tiến thương mại thực hiện tốt nhất nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm hiểu thị trường tìm kiếm đối tác, mở rộng bạn hàng tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu và cung cấp thông tin tư vấn hướng dẫn doanh nghiệp nước ngoài phát triển quan hệ kinh doanh và đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam thì cần tiếp tục cho phép một số tổ chức xúc tiến thương mại đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập và đi vào hoạt động như Trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại Hoa Kỳ, Văn phòng xúc tiến thương mại tại Trùng Khánh - Trung Quốc …Theo Báo cáo của Chính phủ, cho đến nay uy tín, kinh nghiệm và hiệu quả hoạt động của các tổ chức này đã được khẳng định. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn cần được giải quyết là với số lượng biên chế còn ít nên chưa đáp ứng được yêu cầu về xúc tiến thương mại của doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài. Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn về ngân sách của chúng ta như hiện nay và thực hiện chủ trương về tinh giản biên chế thì chúng ta nên nghiên cứu kết hợp với việc xã hội hóa trong việc thành lập tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài trong thời gian tới./.

Khắc Điều


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nên mở rộng hoạt động ngoại thương ở đường biên giới