Giải vô địch bóng bàn truyền thống Báo Bình Thuận: 10 năm, một chặng đường phát triển mạnh mẽ

27/10/2016, 09:55

BT- Giải vô địch Bóng bàn Báo Bình Thuận lần thứ X kết thúc mới cách đây vài ngày nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Báo Bình Thuận và 21 năm Ngày Du lịch Bình Thuận. Qua 10 mùa giải, với những kết quả đã đạt được đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho những người yêu thích bộ môn bóng bàn tỉnh nhà cũng như các tỉnh, thành bạn trong khu vực và trở thành một trong những sự kiện nổi bật của thể thao tỉnh nhà.

                
Giải vô địch Bóng bàn truyền thống Báo Bình    Thuận lần thứ X. Ảnh: Đ.Hòa

 Từ việt dã đến bóng bàn

Trước năm 2007, tức là trước thời điểm diễn ra Giải vô địch Bóng bàn truyền thống Báo Bình Thuận lần thứ I, Báo Bình Thuận đã phối hợp với Sở Thể dục Thể thao tổ chức 2 giải Việt dã Báo Bình Thuận vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 năm 2005 và năm 2006. Giải Việt dã năm 2005 được tổ chức tại Tuy Phong và năm 2006 được tổ chức tại La Gi. Các giải việt dã đã quy tụ hầu hết các vận động viên trên toàn tỉnh và được sự quan tâm phối hợp của các địa phương nơi diễn ra giải nên đã tạo được không khí sôi nổi, phấn khởi và đạt yêu cầu về quy mô, chất lượng.

Những năm sau sự kiện nhật thực vào tháng 10/1995, du lịch Bình Thuận ngày càng phát triển mạnh. Để hỗ trợ cho du lịch và thể theo nguyện vọng của những người yêu thích bộ môn bóng bàn, Ban Biên tập Báo Bình Thuận và Sở Thể dục Thể thao quyết định tổ chức Giải vô địch Bóng bàn truyền thống Báo Bình Thuận vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6). Giải lần đầu được tổ chức vào dịp 21/6/2007, từ đó trở đi giải được tổ chức đều đặn hàng năm trong sự háo hức chờ đợi của các vận động viên, khán giả và những người yêu thích bóng bàn trong tỉnh và các tỉnh, thành bạn trong khu vực.

 Đối tượng ngày càng mở rộng,chất lượng ngày càng cao

Những giải lần đầu tuy có sự tham gia tích cực của các vận động viên, nhưng chỉ giới hạn trong tỉnh nên nhìn chung còn ít về số lượng, chưa cao về chất lượng. Ngoài một số vận động viên như Văn Tùng (Phan Thiết), Mạnh Hùng (Giáo dục), Tự Cường (La Gi), Trần Hà (Câu lạc bộ hưu trí), Nguyễn Việt (Bắc Bình) có trình độ chuyên môn khá còn lại đều trung bình nên tính cạnh tranh, quyết liệt chưa cao. Tiếp theo những năm sau đó, Ban tổ chức đã quyết định mời thêm các đội bóng ngoài tỉnh tham gia. Kết quả đã có hàng chục đội bóng bàn ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Tây Ninh, nhất là TP. Hồ Chí Minh có những năm đã cử hàng chục đội tham gia, từ đó giải đấu đã trở nên quyết liệt, kịch tính, hấp dẫn với trình độ chuyên môn cao, gây được sự chú ý rất lớn từ những nhà chuyên môn bóng bàn trong khu vực và thỏa mãn sự đam mê của khán giả.

Qua các giải đấu đã phát hiện ra những gương mặt tiêu biểu như Nguyễn Đức Tài, Nguyễn Tự Cương  (La Gi); Phan Hoàng Hiếu, Ngụy Thành Quốc, Lê Thanh Hải (Phan Thiết); Lê Anh Đức (Tiền Giang); Nguyễn Minh Tiến (Bà Rịa - Vũng Tàu); Nguyễn Khoa Diệu Khánh (Ninh Thuận); Vũ Thanh Xuân (Đồng Nai); Châu Hồng Phát (CLB Hoàng Tần TP. HCM)…

Điều đáng ghi nhận là công tác tổ chức giải lần nào cũng luôn được đánh giá là chu đáo, thân thiện, mến khách. Hãy nghe Dr Hong Son chuyên gia bình luận bóng bàn ở TP. Hồ Chí Minh trong một lần ra Phan Thiết theo dõi giải đấu tâm sự:  “Mình vừa khăn gói ra Phan Thiết xem giải Báo Bình Thuận 2012. Ra tới Nhà thi đấu Bình Thuận, thật mừng vì quá khang trang sạch đẹp, sàn gỗ ngon lành, trần cao 20m, ánh sáng tốt, chỗ ngồi toàn ghế nhựa mới. Lễ khai mạc thật trang trọng, có đầy đủ các quan chức đầu tỉnh tới dự, đặc biệt là lần đầu tiên mình thấy có một lễ khai mạc mà lễ đài chật kín quan khách chức sắc đầu tỉnh, các nhà báo, quay phim, truyền hình thật là trọng thị. Các trận đấu rất hấp dẫn… Đi Phan Thiết cú này về chắc lên trên trăm kí mất thôi, gió biển mát rượi, hải sản tươi sống, con người thân thiện. Có một điều rất lạ và chưa từng xảy ra trong lịch sử bóng bàn Việt Nam: Đây là lần đầu tiên các đội có khoản phí ra sân. Trước khi oánh, mỗi đội được trao 1 triệu đồng, thật ngạc nhiên và thật thú vị”. Lão tướng Nguyễn Minh Thi cứ tấm tắc mãi với mình: “Lần đầu tiên em thấy có cái zụ này, tuy số tiền không lớn, nhưng anh em cảm thấy mình được tôn trọng, zui quá anh ơi. Hoan hô Ban tổ chức Giải Bóng bàn Báo Bình Thuận vì sáng kiến đột phá rất hay này”.

 Là chất xúc tác cho phong trào bóng bàn Bình Thuận

Với việc tổ chức thường xuyên trong 10 năm qua, có thể nói Giải Bóng bàn Báo Bình Thuận là chất xúc tác tạo nên sự phát triển bộ môn bóng bàn trong toàn tỉnh. Ngoài Phan Thiết thì La Gi và Tuy Phong là những địa phương có sự phát triển khá mạnh. Riêng thành phố Phan Thiết đã có hàng chục câu lạc bộ bóng bàn quy tụ nhiều người tham gia tập luyện như: Câu lạc bộ Nguyễn Tất Thành, câu lạc bộ Hưu trí, câu lạc bộ Báo Bình Thuận, câu lạc bộ khu phố 5, khu phố 6, khu phố 2, khu phố 3, khu phố 13 (phường Phú Thủy), khu phố 2 (phường Xuân An), câu lạc bộ Ánh Sáng…

Giải vô địch Bóng bàn truyền thống Báo Bình Thuận không được sự đầu tư từ ngân sách và của ngành thể dục thể thao. Do vậy tất cả kinh phí tổ chức thi đấu đều huy động từ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Có thể nói đây là một giải có tính xã hội hóa rất cao. Điều đó cho thấy không chỉ riêng bộ môn bóng bàn, mà tất cả các môn thể thao khác của tỉnh cũng cần phải được xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa thì mới có thể duy trì, phát triển và đạt được thành tích cao trong thi đấu. Tuy nhiên để đạt thành tích cao và phong trào phát triển thì cùng với việc xã hội hóa mạnh mẽ, ngành thể dục thể thao tỉnh cần có chương trình đào tạo chuyên sâu, bài bản từ lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Tốt nhất là Trường Năng khiếu TDTT tỉnh cần đưa bộ môn bóng bàn vào chương trình đào tạo của trường để có lớp vận động viên xuất sắc hơn trong tương lai, đủ sức giành huy chương tại các giải đấu khu vực và cả nước.

LÊ VĂN


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải vô địch bóng bàn truyền thống Báo Bình Thuận: 10 năm, một chặng đường phát triển mạnh mẽ