Để không tái diễn “đem con bỏ chợ”

22/11/2016, 08:49

BT - Những ngày gần đây dư luận xã hội và báo chí rất bức xúc chuyện nhiều lao động ở Bình Thuận qua làm việc ở Ả Rập Xê Út giúp việc gia đình bị “bóc lột” sức lao động, làm việc 14-16 tiếng nhưng chỉ được ăn một bữa vào buổi tối, tiền công bị cắt xén, bị ngược đãi, đánh đập thậm chí còn bị xâm hại tình dục… Trong lúc đó doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài là Trung tâm Phát triển việc làm và xuất khẩu lao động thuộc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu vật tư thiết bị đường sắt (VIRASIMEX) có trụ sở chính tại Hà Nội phải có trách nhiệm chính trong giải quyết vấn đề này thì lại tỏ ra bàng quan theo kiểu “đem con bỏ chợ”.

Thực ra việc “đem con bỏ chợ” trong xuất khẩu lao động không chỉ qua sự việc này mà đã được nói đến rất nhiều. Trước đây Bình Thuận cũng đã có nhiều trường hợp xảy ra khi lao động sang làm việc tại Malaysia. Riêng tại Ả Rập Xê út hiện  có khoảng 5.000 nữ lao động Việt Nam giúp việc gia đình, trong đó cũng có nhiều lao động ở các tỉnh, thành khác như Nghệ An, Tuyên Quang, TP Hồ Chí Minh… cũng chịu tình cảnh tương tự. Không chỉ người giúp việc gia đình mà mới đây đã có hàng chục ngàn lao động người Ấn Độ, Pakistan và Philippines rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, đói khát sau khi giá dầu sụt giảm dẫn tới việc cắt giảm nhân công trong các ngành xây dựng ở Ả Rập Xê Út, buộc chính phủ các nước phải ra tay can thiệp, giải quyết.

Có thể khẳng định, xuất khẩu lao động là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế và ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương. Vì vậy không thể vì những sự việc cụ thể như trên mà chúng ta “chùn bước” trong việc thúc đẩy đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thực tế trong những năm qua, số lượng xuất khẩu lao động của Việt Nam khá lớn với bình quân mỗi năm trên 100.000 người; riêng năm 2014 đạt  106.000 người, năm 2015 là 115.980 người. Năm 2016 này, các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển trên 115.000 lao động để xuất khẩu. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho người lao động Việt Nam khi muốn đi xuất khẩu lao động.

Trong lúc các tỉnh, thành đang “sôi động” với xuất khẩu lao động thì Bình Thuận lại đang “đìu hiu”. 5 năm qua Bình Thuận chỉ đưa được 221 lao động làm việc nước ngoài, tính ra mỗi năm chỉ được 44 người,  chiếm 0,044% của cả nước và bằng 2,77% mức bình quân một tỉnh, thành. Không biết với chuyện “ì xèo” của một số lao động La Gi qua Ả Rập Xê Út vừa qua còn ảnh hưởng thế nào nữa đến chuyện xuất khẩu lao động của tỉnh trong thời gian tới?

Để tránh tình trạng “đem con bỏ chợ”, lấy lại niềm tin của người lao động, thiết nghĩ cơ quan quản lao động của tỉnh, trước hết là Sở Lao động TBXH cần phải chủ động trong việc chọn lựa mời gọi các doanh nghiệp uy tín về triển khai tư vấn, tuyển chọn lao động. Nếu cần thiết, tỉnh cần khuyến khích, tạo điều kiện thành lập doanh nghiệp xuất khẩu lao động ở tỉnh để việc phối hợp được chặt chẽ hơn. Yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động khi tư vấn tuyển chọn lao động phải cụ thể, rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm của người lao động, tránh việc nhầm lẫn, mơ hồ cho người lao động. Chú trọng những đơn hàng có mức thu nhập cao, bảo đảm cho người lao động khi làm việc có tiền trang trải sinh hoạt, trả nợ ngân hàng và có tích lũy. Phải tổ chức đào tạo, giáo dục định hướng phù hợp với nước đến làm việc. Khi xảy ra kiến nghị, phản ánh, khiếu nại của người lao động phải khẩn trương giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Mặt khác, người đi xuất khẩu lao động hơn ai hết nhận thức đầy đủ về việc đi xuất khẩu của mình. Khi đi phải biết tiếng nước ngoài, phải có tay nghề, phải có ý chí. Khi đến nước sở tại phải lao động siêng năng, chấp hành pháp luật của nước sở tại, phải tiết kiệm, vừa có tiền để trả nợ vay vừa có vốn khi trở về làm ăn với phương châm: “đi làm thuê để về làm chủ”. Nhà nước cần làm cho người lao động xuất khẩu yên tâm khi ra đi thuận lợi cũng như được bảo vệ về quyền lợi và sự an toàn của họ tại nước ngoài thông qua hệ thống đại sứ quán Việt Nam ở các nước và thông qua Hiệp định song phương về hợp tác và xuất khẩu lao động... Để khuyến khích lao động xuất khẩu, cùng với công tác tuyên truyền giáo dục, tỉnh cần rà soát lại các chính sách đã ban hành để có hướng điều chỉnh, bổ sung nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động trong tỉnh tham gia xuất khẩu lao động.

Hồng Lê


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để không tái diễn “đem con bỏ chợ”