Tuổi trẻ và công nghệ: Những cái “like”… nhẫn tâm

27/10/2016, 09:49

BT- Không dùng nắm đấm, không rượt đuổi, đâm chém kinh hoàng, nhưng những cái “like”, “share”  có thể lấy đi một mạng người, tác động đến nhiều người.

                
Like trên facebook - đừng tiếp tay cho sự    nhảm nhí.

Nhẫn tâm like

Ngày 21/9, cộng đồng mạng bàng hoàng khi xem clip một nam thanh niên tẩm xăng, châm lửa lên người và nhảy xuống nước. Nhưng mấy ai biết, trước khi có hành động điên rồ này, người thanh niên này đã lên facebook đăng dòng trạng thái gây sốc “nếu nhận được 40.000 like sẽ tự mình tẩm xăng tự thiêu sống rồi nhảy xuống kênh Tân Hóa”. Dòng trạng thái của thanh niên kia lại nhận được tới gần 100.000 like (hơn gấp đôi mong muốn ban đầu). Thậm chí, rất nhiều bạn trẻ còn đổ về hai tuyến đường dọc kênh Tân Hóa (TP. HCM) vào lúc 19 giờ ngày 20/9 để chứng kiến N.T thực hiện lời hứa. Một sự thật đáng buồn khi những lời nói trong thế giới ảo lại thành hành động thực tại. Người đăng dòng trạng thái đáng bị lên án nhưng những người hùa theo nhấn “like” còn đáng trách hơn. Có hạnh phúc không khi cổ vũ người khác làm chuyện nguy hiểm, có vui gì khi đưa một con người đến cái ranh giới của sự sống và cái chết?

Không dừng lại ở việc tham gia cổ vũ người khác thực hiện những hành động nguy hiểm, các “anh hùng bàn phím” còn gây áp lực ép người khác phải thực hiện cái gọi là “nói là làm”.  Sự việc mới xảy ra tại tỉnh Khánh Hòa một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động khi mà khoảng cách giữa thế giới ảo và cuộc sống ngày một nhạt nhòa. Vì buồn chuyện gia đình, em T (13 tuổi, trú thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã đăng trên trang facebook cá nhân dòng chữ: “Nếu đủ 1.000 like sẽ đốt trường”. Chỉ sau vài giờ dòng trạng thái của T có hơn 1.000 like. Đến ngày 9/10, khi thấy T chưa thực hiện lời hứa của mình thì một số người bạn của em nhắn tin “like đã đủ, thực hiện đi”. Không dừng lại ở đây, khi T đang cắt tóc thì bị một nhóm khoảng 10 người đến tìm và kéo T ra khỏi tiệm tóc. Nhóm này  yêu cầu T thực hiện lời nói… trên facebook. Nhóm này đi mua xăng về ép T vào trường đốt phòng hiệu trưởng nếu không sẽ đánh. Khi vào trường, thấy phòng y tế có mấy chiếc ghế nhựa nên chọn chỗ này để đốt. Trong khi T thực hiện hành động này thì nhóm bạn trên dùng điện thoại ghi lại. Tuy nhiên, khi T vừa tưới xăng châm lửa đốt thì ngọn lửa bùng lên khiến em không kịp chạy nên bị bỏng độ 1 ở vùng mặt, bỏng độ 1 - 2 ở hai cẳng chân. Trả lời báo chí, T rất ân hận về hành động dại dột của mình: “Em hối hận lắm. Em không ngờ chỉ vì câu “like” trên mạng mà chuốc lấy hậu quả thật”. Nhưng nếu như không có sự thúc ép của nhóm bạn T thì có lẽ vụ việc đã không đi quá xa, một con người đã không lâm vào trạng thái tự ti, mặc cảm… Tại Bình Thuận cũng xảy ra không ít những vụ việc thương tâm mà nguyên nhân cũng xuất phát từ những cái like trong thế giới ảo. Khoảng cách giữa  thế giới thật và ảo gần như không còn. Người ta có thể trả giá về những gì mình đưa lên mạng internet. Bị phạt tiền, bị nhắc nhở, thậm chí bị tước đi mạng sống cũng xuất phát từ thế giới ảo. Có người nói thật mà ảo, ảo mà thật chính là những gì đang diễn ra hiện nay.

 Mải mê khẳng định

Thật đáng buồn khi người dùng facebook, đặc biệt là giới trẻ xem đây như một nơi thể hiện đẳng cấp, thể hiện sự hấp dẫn của bản thân. Khi đến một địa điểm du lịch hay quán ăn mới, việc đầu tiên mà những người nghiện mạng xã hội thực hiện là “check – in facebook và cúng thần zalo”. Họ dần xa rời thực tế để lao vào những phù phiếm của thế giới ảo. Mải mê khẳng định mình trong cái thế giới không có thật, họ dần rời xa cuộc sống, bản ngã của con người. Cái bàn phím không có tội nhưng những ngón tay đã gõ lên những điều vượt quá giới hạn của bản thân.

Nguyễn Luân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuổi trẻ và công nghệ: Những cái “like”… nhẫn tâm