“Giải cứu” ô sin từ Ả Rập Xê Út:

16/11/2016, 08:10

Kỳ 2: Bên nào phá vỡ hợp đồng?

Kỳ 3: Khẩn trương đưa lao động về nước

BT- Xác định sức khỏe và an toàn tính mạng của người lao động (LĐ) là trên hết, Sở LĐ, TB&XH đã vào cuộc đề nghị công ty nhanh chóng đưa LĐ về nước. Mọi vấn đề về tranh chấp hợp đồng LĐ giữa công ty và người LĐ sau khi về nước sẽ được giải quyết theo quy định hiện hành.

                
Con trai bà Phan Thị Nga – Lê Quốc Dũng mòn    mỏi chờ mẹ trở về.

Sớm hoàn tất thủ tục đưa lao động về

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐ, TB&XH cho biết: Đầu năm 2016, theo đề nghị của Công ty VIRASIMEX (công ty) về việc xin tuyển chọn LĐ đi làm việc ở nước ngoài năm 2016. Sở đã thống nhất để công ty tuyển chọn, đưa được nhiều LĐ của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài góp phần vào giải quyết việc làm chung của tỉnh. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, xảy ra tình trạng thân nhân người LĐ đi giúp việc gia đình (GVGĐ) tại Ả Rập Xê Út liên tục có đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng về tình trạng con, em, vợ của họ bị ngược đãi, ép làm việc quá sức, thời gian làm việc quá quy định từ 14 -16h/ngày, không đúng với hợp đồng đã được ký kết, chỉ cho ăn 1 bữa/ngày, cá biệt có tình trạng bị hiếp dâm tập thể… Dẫn đến tình trạng LĐ bị kiệt sức, ngã bệnh nhưng chủ sử dụng LĐ chẳng những không đưa đi khám, điều trị bệnh mà còn đe dọa, đánh đập, đưa đi phơi nắng hoặc nhốt trong phòng kín mít, không cho điện thoại liên lạc về Việt Nam. Người LĐ muốn về nước nhưng hộ chiếu cá nhân của họ đã bị chủ sử dụng LĐ cất giữ. Theo đó, thân nhân người LĐ yêu cầu các cơ quan chức năng can thiệp, sớm đưa con, em, vợ của họ trở về Việt Nam.

Xuất phát từ tình hình trên, ngày 1/11/2016, sở đề nghị công ty tạm thời dừng tuyển chọn LĐ đi GVGĐ tại các thị trường, đồng thời khẩn trương vào cuộc để đưa bà N.T.V (SN 1971) xã Tân Phước, thị xã La Gi, là LĐ được công ty đưa đi làm việc tại Ả Rập Xê Út xuất cảnh ngày 19/4/2016 về Việt Nam theo yêu cầu của ông Đinh Văn Phúc – chồng bà V. Ngoài ra, sở cũng yêu cầu công ty đưa 2 trường hợp khác đang bị ngược đãi bên Ả Rập Xê Út là chị Hồng Hạnh, chị Phan Thị Nga ở La Gi sớm trở về Việt Nam. Đồng thời, yêu cầu công ty phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn có LĐ được công ty tuyển chọn và đưa đi GVGĐ tại các thị trường báo cáo tình hình về điều kiện làm việc, thu nhập và một số thông tin khác liên quan đến quyền lợi của người LĐ. Thường xuyên nắm và cung cấp thông tin của người LĐ đến các cơ quan chức năng của tỉnh và gia đình người LĐ để phối hợp theo dõi, quản lý và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người LĐ và gia đình họ. Cũng trong ngày 1/11, Sở LĐ, TB&XH đã có công văn gửi Cục Quản lý LĐ ngoài nước (Bộ LĐ, TB&XH) đề nghị quan tâm xác minh tính xác thực các thông tin phản ánh của thân nhân người LĐ để có biện pháp giải quyết kịp thời, tránh để xảy ra dư luận không tốt đối với công tác đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

Để tìm hiểu xác minh thông tin và đề ra biện pháp giải quyết, mới đây, sở phối hợp với UBND thị xã La Gi tổ chức buổi làm việc với đại diện gia đình người LĐ và đại diện công ty. Tuy nhiên do chưa có cơ sở kết luận tính xác thực thông tin của hai bên nêu ra, đồng thời chưa có sự thống nhất về phương án bồi thường hợp đồng giữa hai bên nên đại diện công ty cho biết thời gian đưa người LĐ về nước không biết lúc nào thực hiện được. “Sở sẽ đề nghị với Bộ LĐ, TB&XH có biện pháp can thiệp kịp thời, cùng với các cơ quan, đơn vị có liên quan sớm hoàn tất thủ tục đưa người LĐ trở về Việt Nam theo nguyện vọng của gia đình họ. Mọi vấn đề về tranh chấp hợp đồng LĐ giữa công ty và người LĐ sau khi về nước sẽ được giải quyết theo quy định hiện hành.” – ông Hòa nói.   

Thường xuyên giám sát công ty

Với trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, sở yêu cầu công ty cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi và tạo điều kiện hỗ trợ người LĐ. Nếu công ty không thực hiện đầy đủ các yêu cầu như thế và người LĐ tiếp tục có thư phản ánh, sở sẽ kiến nghị với Cục Quản lý LĐ ngoài nước có giải pháp, có thể sẽ dừng tuyển LĐ đi GVGĐ tại Ả Rập Xê Út. “Chúng tôi đã đề nghị Cục Quản lý LĐ ngoài nước có giải pháp can thiệp kịp thời nếu có tình trạng người LĐ bị ngược đãi. Đồng thời, đề nghị Bộ LĐ, TB&XH phải thường xuyên kiểm tra giám sát công ty trong việc thực hiện các giải pháp để hỗ trợ người LĐ. Song song, kiểm tra công ty thực hiện đơn hàng khi công ty này quan hệ với công ty môi giới ở Ả Rập Xê Út, để sử dụng LĐ của Việt Nam phải đảm bảo thực hiện đúng như trong hợp đồng đã ký.” – ông Hòa cho biết thêm. 

Sắp tới, sở sẽ hạn chế và hướng đến dừng việc tuyển dụng LĐ đi GVGĐ tại Ả Rập Xê Út vì công việc này yếu tố nguy cơ, tiềm ẩn rủi ro cao. Quan trọng là người GVGĐ trực tiếp làm việc với chủ sử dụng LĐ tại một gia đình. Do đó, việc kiểm tra, kiểm soát của công ty đưa đi cũng như theo dõi giám sát thực hiện hợp đồng giữa chủ sử dụng LĐ và người LĐ khó khăn. Sở chỉ khuyến khích và tạo điều kiện cho các công ty có đầy đủ cơ sở pháp lý tuyển LĐ đi làm việc ở nước ngoài, với những ngành nghề đòi hỏi có tay nghề kỹ thuật cao ở các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức. Qua theo dõi nhiều năm cho thấy, đây là 3 thị trường tiếp nhận LĐ làm việc không có sự cố xảy ra, người LĐ lại có thu nhập cao và ổn định. Tuy nhiên, người LĐ phải chuẩn bị cho mình những kiến thức cần thiết, đặc biệt là học tiếng của nước mình đến trước khi đi. Ngoài ra, cần phải chuẩn bị sức khỏe và phải có tính kỷ luật lao động cao. Tại Việt Nam, người LĐ sẽ được tiếp thu những tác phong, kỷ luật trong LĐ, để sau khi tham gia vào các thị trường này sẽ có thu nhập tốt, ổn định để nâng cao đời sống.  

    
        “Sở LĐ, TB & XH sẽ đề nghị với Bộ LĐ, TB&XH có biện pháp can thiệp kịp   thời, cùng với các cơ quan, đơn vị có liên quan sớm hoàn tất thủ tục đưa   người LĐ trở về Việt Nam theo nguyện vọng của gia đình họ. Mọi vấn đề về   tranh chấp hợp đồng LĐ giữa công ty và người LĐ sau khi về nước sẽ được   giải quyết theo quy định hiện hành.” – ông Hòa nói.    

Điều tra: Thu Hà


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
 “Giải cứu” ô sin từ Ả Rập Xê Út: