Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo

31/10/2016, 08:01

BT- Thời gian gần đây, phát triển năng lượng tái tạo đã trở thành một xu thế mạnh mẽ trên toàn thế giới. Bình Thuận cũng là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo như nắng, gió, thủy triều.

Cùng với phát triển năng lượng hóa thạch (chủ yếu là nhiệt điện than), thời gian qua Bình Thuận cũng đã phát triển một số chương trình năng lượng tái tạo. Thủy điện là lĩnh vực đi trước, hiện trên địa bàn tỉnh đã có những nhà máy thủy điện hoàn thành, đưa vào vận hành có công suất tương đối lớn như Hàm Thuận (300 MW), Đa Mi (175 MW), Đại Ninh (300 MW), Bắc Bình (33 MW) và một số dự án thủy điện trong giai đoạn đầu tư như La Ngâu, Thác Bà, Sông Lũy, Đan Sách 2 và 3. Các nhà máy này đóng góp sản lượng điện đáng kể cho cả nước.

Cùng với thủy điện, với lợi thế 192 km bờ biển, nguồn tài nguyên gió dồi dào, điều kiện khí hậu, đất đai khá thuận lợi, Bình Thuận còn được biết đến là địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút đầu tư các dự án điện gió. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 15 dự án điện gió, với tổng công suất đăng ký đầu tư khoảng 1.182 MW. Trong đó, giai đoạn 1 Dự án Phong điện 1 (30 MW) và Dự án Điện gió đảo Phú Quý (6 MW) đã hoàn thành và đưa vào vận hành; Dự án Phú Lạc giai đoạn 1 (24 MW) đang triển khai đầu tư.

Tuy đạt được một số kết quả bước đầu về phát triển năng lượng tái tạo nhưng Bình Thuận cũng nằm trong tình trạng chung của cả nước là rất chậm. Chỉ tính riêng lĩnh vực điện gió trên địa bàn tỉnh đã có 15 dự án, với tổng công suất đăng ký đầu tư khoảng 1.182 MW. Theo quy hoạch đến năm 2030, công suất lắp đặt của các dự án điện gió đạt khoảng 2.500 MW. Tuy nhiên sau nhiều năm cũng chỉ có 2 “dự án nhỏ” đi vào hoạt động, với công suất 36 MW, chỉ đạt 3% công suất đăng ký đầu tư. Điện mặt trời cũng có một số nhà đầu tư như Công ty TNHH Doo Sung Vina (Hàn Quốc) thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời tại huyện Tuy Phong (30 MW) được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư và mới đây Tập đoàn AES  (Hoa Kỳ) cũng đã cam kết đầu tư nhà máy điện mặt trời với công suất trên 100 MW, trong đó giai đoạn 1 là 30 MW tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân. Tuy nhiên từ cam kết đến thực hiện là cả một quá trình lâu dài.

Ai cũng biết phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu để bảo vệ môi trường và trong điều kiện năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn dần. Chính phủ đã có cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, tuy nhiên thực tế quá trình triển khai thu hút đầu tư các dự án điện gió trong thời gian qua có những khó khăn, thách thức cơ bản mang tính đặc thù như thiếu những nguồn thông tin tin cậy về tiềm năng gió; chi phí sản xuất, chi phí đầu tư cao do hầu hết các trang thiết bị điện gió đều phải nhập khẩu; lãi suất cho vay trong nước quá cao, các nhà đầu tư khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và trở ngại lớn nhất là giá mua điện gió, dù đã được Chính phủ ưu tiên trợ giá nhưng vẫn còn thấp so với giá thành đầu tư, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư cũng như các tổ chức tài chính tín dụng tham gia cho vay vốn để triển khai thực hiện dự án.

Nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hút đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời cần thiết phải có chính sách hỗ trợ, xem xét, giải quyết về việc điều chỉnh tăng mức giá mua điện các dự án điện gió cho phù hợp và có chính sách định hướng các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng bên ngoài để đầu tư các dự án. Mới đây tại buổi làm việc với tỉnh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu cho phép Bình Thuận được triển khai thực hiện chính sách thí điểm về giá điện gió, điện mặt trời để thu hút đầu tư và đưa các dự án đã đăng ký đi vào hoạt động. Đối với các dự án điện gió và điện mặt trời nằm trong vùng quy hoạch dự trữ khoáng sản titan trong tầng cát đỏ thì có chính sách ưu tiên cho các dự án điện thực hiện ngay.

Hy vọng với sự quan tâm của Trung ương, các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh sẽ được đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cung ứng nguồn năng lượng sạch cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và Bình Thuận nói riêng.

THẾ NAM


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo