Pháp đứng trước nghịch lý cảnh sát đứng ra biểu tình

28/10/2016, 14:57

Suốt hơn một tuần qua, tại thủ đô Paris và nhiều thành phố lớn của Pháp như Bordeaux, Toulouse vàLyon… đã diễn ra các cuộc biểu tình của cảnh sát.

Đây được coi là một nghịch lý bởi cảnh sát vốn là lực lượng chuyên trách nhiệm vụ gìn giữ trật tự công cộng, chống lại các biểu hiện cực đoan, gây rối. Sự việc này tác động mạnh đến bầu không khí chính trị - xã hội Pháp, vốn đang xáo động bởi các vụ khủng bố và các cuộc biểu tình lớn nhỏ trong năm.

                
      
         Cảnh sát Pháp mặc thường phục tham gia biểu tình tại Paris. Ảnh: AP

Một nghịch lý dễ hiểu

Ở Pháp, cảnh sát là một dạng công chức đặc biệt, ăn lương Nhà nước và không được phép biểu tình trong giờ làm việc, với sắc phục và các trang thiết bị đặc chủng.

Thế nhưng, những quy định đó dường như đã bị phớt lờ trong những ngày qua. Đoàn người biểu tình vẫn để nguyên sắc phục hoặc tuy bận quần áo dân sự, những vẫn đeo băng tay hoặc trương biển chứng tỏ họ là cảnh sát. Yêu sách của họ đưa ra là sự cảm thông chia sẻ và sự cải thiện điều kiện làm việc đang ở tình trạng "hết sức tồi tệ" hiện nay.

Trên thực tế, đó là những đòi hỏi chính đáng. Hơn một năm qua, kể từ sau vụ tấn công khủng bố tòa báo Charlie Hebdo ở Paris hồi tháng 1/2015, và đặc biệt là sau sự kiện đẫm máu đêm 13/11/2015, lực lượng cảnh sát Pháp luôn bị đặt trong tình trạng khẩn cấp, phải căng mình làm việc, trong cảnh thiếu nhân lực trầm trọng, trong điều kiện rất eo hẹp về trang thiết bị và phương tiện làm việc, trước nhiều mối đe dọa với tính mạng từ các phần tử khủng bố đến những kẻ cực đoan, manh động...

Sự cố hôm 8/10 ở Viry-Chatillon, ngoại ô phía nam Paris, như một "giọt nước làm tràn ly" khi một chiếc xe tuần tra của cảnh sát đậu ở ven đường bị một nhóm quá khích tấn công bằng gạch đá, tuýp sắt và bom xăng. Trong số 4 cảnh sát có mặt trong xe, hai người bị bỏng nặng, trong đó một người vẫn đang rơi vào tình trạng hôn mê sâu tại bệnh viện.

Điều đáng nói là việc những khó khăn, nguy hiểm mà lực lượng cảnh sát phải đối mặt ấy dường như không được sự quan tâm, cảm thông đầy đủ của Chính phủ. Sự phẫn nộ được thổi bùng, khi ông Jean-Marc Falcone, người đứng đầu lực lượng Cảnh sát Quốc gia, tuyên bố rằng cuộc biểu tình này là “không thể chấp nhận được”.

Chính phủ tìm cách xoa dịu

Bắt đầu từ ngày 17/10, với cuộc biểu tình của hàng trăm cảnh sát mang nguyên sắc phục và xe công vụ trên đại lộ Champs - Élysées (Paris), các cuộc biểu tình "bất hợp pháp" của cảnh sát liên tiếp nổ ra tại nhiều thành phố lớn khác của Pháp và kéo dài cho tới nay. 

Nguy cơ lan rộng của các cuộc biểu tình và những biểu thị mang tính thách thức của người tham gia buộc chính quyền phải quan tâm và tìm cách xoa dịu.

Ông Jean-Marc Falcone phải lập tức rút lại tuyên bố của mình và thừa nhận thực tế quá khó khăn đã khiến nhiều cảnh sát bức xúc, mất niềm tin vào thể chế. Ông cam kết sẽ trang bị các vũ khí, công cụ hỗ trợ hiện đại cho cảnh sát thực thi nhiệm vụ, đồng thời giảm bớt gánh nặng thực hiện nhiệm vụ canh gác cho họ.

Ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bernard Cazeneuve cùng người đứng đầu lực lượng Cảnh sát Quốc gia Jean-Marc Falcone đã có cuộc gặp gỡ trao đổi với đại diện công đoàn cảnh sát Rouen, nơi vừa xảy ra nhiều vụ việc như linh mục nhà thờ Saint Etienne-du-Rouvray bị khủng bố sát hại, hay vụ hỏa hoạn tại một quán bar khiến hàng chục thanh niên thiệt mạng...khiến lực lượng cảnh sát thành phố hết sức mệt mỏi.

Đích thân Tổng thống Pháp Francois Hollande chia sẻ: "Tôi hiểu được sự chịu đựng đã quá lâu ở cảnh sát và hiến binh của chúng ta, vốn cũng là những công chức của chính quyền... Họ đang làm việc trong điều kiện quá thiếu thốn và nguy hiểm".

Thái Dương/VOV


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Pháp đứng trước nghịch lý cảnh sát đứng ra biểu tình