Người phụ nữ khiếm thị vượt lên số phận

22/11/2016, 11:09

BT - Mất ánh sáng sau một trận bệnh, chị Vòng Thị Bích Nga (SN 1978), ở thôn Hải Lạc, xã Hải Ninh, Bắc Bình phải sống trong bóng tối. Không muốn dựa dẫm quá nhiều vào gia đình, chị Nga đã đi học nghề xoa bóp bấm huyệt và có đủ thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. 

Chúng tôi tìm đến nhà chị Vòng Thị Bích Nga, nơi có dịch vụ xoa bóp bấm huyệt, chăm sóc sức khỏe. Tranh thủ lúc vắng khách, chị Nga kể về đợt sốt ban làm chị mất đi nguồn ánh sáng vào tuổi lên 4; 2 năm sau đó, mẹ chị mất. Những biến cố của cuộc đời  khiến chị Nga sống khép kín với mọi người. Năm 2007, được Hội người mù huyện Bắc Bình tạo điều kiện, cho chị vào Tỉnh hội học nghề xoa bóp bấm huyệt, rồi vận động các mạnh thường quân xây nhà để chị mở dịch vụ này tại nhà riêng với biển hiệu Tiến – Nga. Chị nói: Tiến là tên của chồng, hai người gặp nhau khi đang học nghề dành cho người khiếm thị tại mái nhà chung của Tỉnh hội. Sau một thời gian tìm hiểu, năm 2013, anh chị quyết định kết hôn và hiện có một con trai 3 tuổi. Là ủy viên Ban chấp hành hộingười mù huyện nên chị Nga biết số người mù toàn huyện có hơn 300 người, trong đó có hàng chục phụ nữ trong độ tuổi lao động. Chị Nga cho rằng những người đồng cảnh ngộ như mình nên có một cái nghề phù hợp để tự nuôi sống bản thân và kiếm cho mình niềm hạnh phúc. Chị biết sinh con rồi nuôi con rất vất vả, với người có hoàn cảnh như chị thì càng khó khăn hơn, nhưng chị rất vui khi được làm mẹ và cảm nhận con trai đang lớn lên từng ngày.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị gián đoạn khi có một khách nữ vào. Chị Nga mời khách vào phòng, nơi có 2 giường nằm để đấm bóp. Một suất mát-xa bấm huyệt ở tiệm chị Nga kéo dài một tiếng đồng hồ; vừa chăm sóc sức khỏe cho khách, chị Nga vừa hỏi thăm khách có hài lòng không, nếu chỗ nào bấm huyệt mạnh tay thì nói để chị điều chỉnh. Quan sát đôi bàn tay khéo léo của chị Nga di chuyển trên mặt, lưng khách hàng, chúng tôi thấy từng động tác đều được thực hiện thuần thục, chuẩn xác.

Chị Nga cho biết: Khách hàng tìm đến chị rất đa dạng, từ các cụ già đến người trung niên, trẻ tuổi, chủ yếu là mát-xa để thư giãn sau những ngày lao động mệt nhọc hoặc chữa các bệnh đau đầu, đau lưng và một số bệnh về xương khớp. Tác dụng của xoa bóp, bấm huyệt nâng cao năng lực hoạt động của hệ thần kinh, tăng miễn dịch… Mỗt suất mát-xa, bấm huyệt 50 ngàn đồng, nhưng nếu khách không đủ tiền thì chị Nga vui vẻ nhận theo khả năng tài chính của từng người. Về phần chồng chị Nga, anh Hoàng Tân Tiến, sau khi kết hôn, vẫn ở lại cơ sở xoa bóp, xông hơi của Tỉnh hội để làm việc, cuối tháng mới về nhà một lần. Chị Nga nói: Vợ chồng cũng tính về ở hẳn một nơi để lao động, nuôi con, nhưng ở xã Hải Ninh lượng khách ít, thu nhập không đủ chi phí sinh hoạt cho 3 người nên hiện tại chị ở nhà nuôi con, có khách thì phục vụ; những công việc cần người sáng thì chị Nga nhờ cha và dì, ở nhà  bên  cạnh giúp đỡ.

Người ta thường nói “Giàu hai đôi mắt, khó đôi bàn tay”, không thấy ánh sáng quả là điều vô cùng khó khăn. Người khiếm thị sống được cuộc đời bình thường như mọi người đã khó, nhưng chị Vòng Thị Bích Nga, đã vượt lên cảnh ngộ khó khăn, tạo lập hạnh phúc, sống có ích cho xã hội, thật đáng trân trọng.

Tương Lai


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người phụ nữ khiếm thị vượt lên số phận