Vượt lên gian khổ: Đổi đời từ mùa mãng cầu tết

25/11/2016, 08:56

BT- Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phước, thị xã La Gi vui mừng cho chúng tôi biết: “Hơn chục năm nay,  vườn mãng cầu trái vụ của bà Lã Thị Y đã giúp bà từ nghèo, khó khăn trở  nên có của ăn của để, nhà cửa khang trang, tiện nghi đủ đầy. Nhiều  người ở Tân Phước đang học theo cách làm vườn của bà Y. Hiện có hơn 20 hộ trồng mãng cầu, nhiều nhất ở thôn Phước Thọ và Hồ Tôm, là những vùng đất cát pha xốp thoáng”.

                
Anh Đinh Văn Quang bên vườn mãng cầu.

“Bỏ con tép bắt con tôm”

Anh Đinh Văn Quang, con trai trưởng của bà Lã Thị Y đã nói như vậy khi nhắc lại thời điểm 2001, khi gia đình quyết định bỏ vụ thu hoạch chính để thực hiện cắt cành, lẩy lá cho cây mãng cầu ra hai vụ trái mùa. Vụ hoa sắp đậu trái như chúng tôi đang thấy trên vườn bà Y là vụ tết, đã cắt cành, lẩy lá vào rằm tháng tám âm lịch. Vụ hai thì thực hiện việc kích ra hoa vào đầu tháng giêng, tức là cho cây lướt qua vụ chính vào tháng ba hàng năm. Anh Quang nói tiếp: “Làm nông phải biết tính toán giá cho đầu ra của sản phẩm, không biết bỏ con tép bắt con tôm thì chỉ có nghèo suốt đời. Giá hàng tết 60.000 - 70.000 đồng/kg, giá vụ hai, nếu đạt 4 trái/kg thì vớt giá lên tới 35.000 đồng/kg. Không tiếc vụ chính, vụ chính ít đầu tư nhưng giá rất thấp. Làm trái vụ cực nhọc hơn nhiều, hồi chưa có máy bơm, khi thực hiện vụ hai, hàng ngày tôi phải gánh nước tưới cho hai mẫu mãng cầu, tưới cả ngày cả đêm, có hôm tưới xong là cơ thể rã rời, hai tay nhấc không muốn lên. Vậy mà thu nhập cao nên ham làm, cho nên cái mệt cũng mau chóng tiêu tan. Bây giờ, diện tích mãng cầu đã lên 3 ha nhưng đã có hệ thống tưới nước tự động, đỡ khổ hơn ngày trước rất nhiều”. Một điều nữa cũng thuận lợi cho nhà vườn làm trái vụ, vì là khan hàng nên lái buôn đến tận nhà mua mãng cầu, tiền mặt trao tay lại ít dạt hàng.

Theo quan sát của chúng tôi thì hiện nay vườn mãng cầu của bà Y được trồng với mật độ 800 cây/ha (3,5 m x 3m). Bà Y cho biết để cây trụ được trên 16 - 17 năm thì tất cả cây giống đều ươm từ hạt, chọn cây mẹ có trái to, loại mãng cầu dai múi dính thành một khối, ít hạt, hạt nhỏ, độ đường cao để lấy giống, cây chiết ghép tuổi thọ không cao. Ngoài ra còn một yếu tố cũng quan trọng không kém là một năm phải 2 lần bón phân chuồng vào gốc, tổng cộng 2 tấn phân chuồng cho 1 ha. 

Gia đình bà đã phải nuôi hơn 50 con heo để chủ động lượng phân bón. Nguồn vốn  nuôi heo cũng từ tiền bán mãng cầu. “Khi heo xuất chuồng, mình có một số tiền lớn, làm việc gì cũng dễ”, bà Y chia sẻ kinh nghiệm. Bởi vậy mà gia đình các con bà khi ra ở riêng đều làm theo mô hình này, một chuồng heo hoặc chuồng bò đông đúc, lấy phân bón mãng cầu, xuất heo hoặc bò lại tiếp tục đầu tư.

Một mẹ bốn con, khởi nghiệp từ cơ hàn

Năng suất hiện tại của vườn mãng cầu trái mùa này được anh Quang, con trai bà Y cho biết: “Một cây thu khoảng 10 kg/vụ, bình quân 8 tấn 1 ha/vụ, một năm hai vụ trái mùa thu tổng cộng 16 tấn trái trên 1 ha. Chi phí phân thuốc, chăm sóc, công hái 1 ha là 100 triệu đồng. Tóm lại với 2 ha mãng cầu làm trái vụ lãi ròng khoảng 600 triệu đồng”.

Hoàng Đình Bảo, một người hàng xóm nhận xét: “Mãng cầu trái vụ rất thành công, thu nhập cao. Quanh đây người ta đều tới đây học kinh nghiệm, có nhiều người làm theo và cũng đã thành công. Đối với địa phương, nhắc đến những thành viên trong gia đình bà Y là nhắc đến những tấm gương lao động giỏi, không chỉ cần cù làm ăn mà còn biết tính toán hợp lý”.

Anh Quang thêm vào câu chuyện: “Mình phải biết mình là ai, xuất phát của gia đình mình là nghèo khổ tận cùng nên mình luôn tâm niệm phải vươn lên, phải thoát khỏi cái nghèo”.

Nhắc tới hoàn cảnh, bà Y rưng rưng nước mắt kể về cái chết oan uổng của chồng, (do một anh du kích bắn rượt con buôn thời bao cấp, chồng bà đang ngồi trên xe đò bị đạn lạc). Sau cái chết của chồng, bà phải bán nhà, tay xách nách mang đùm túm bốn đứa con đang còn thơ dại lên nương náu kiếm miếng ăn nơi khu rẫy này, lúc bấy giờ, nơi đây còn rất hoang vắng.

Cũng mày mò trồng đủ thứ giống không đâu ra đâu, đói kém vẫn còn bám riết một thời gian dài. Từ ngày trụ lại với cây mãng cầu này, lại nghĩ ra cách làm trái vụ nên gia đình mới có ngày hôm nay.

Bà Y nhìn quanh ngôi nhà xây khang trang của mình với đủ đầy bàn tủ máy móc tiện nghi rồi nhỏ nhẹ nói với chúng tôi: “Ngày trước, tôi thường nói với các con: Má chỉ ước sao nhà mình có được cái đài để nghe ca hát cho vui, điều ước đơn giản vậy mà cũng không sao có được. Thật cảm ơn ông trời còn có mắt, cho má con mạnh khỏe chăm chỉ làm ăn nên mới có ngày hôm nay. Cũng nhờ một lần thu nhập kha khá từ vụ mãng cầu tết mà mấy má con mạnh dạn làm “ra tấm ra miếng” trên cả 3 ha luôn”.

Thật sự mừng cho gia đình bà Lã Thị Y, nhìn cuộc sống đủ đầy hôm nay của gia đình bà, chúng tôi tin rằng những vụ mãng cầu tết của bà và hàng xóm không chỉ xóa được nghèo đói mà còn vươn lên làm giàu. Tôi xin mượn lời của người hàng xóm bà Y để kết bài viết nhỏ này: “Ngày nay, làm nông nên nhớ: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống và trên tất cả là giá”.    

Nguyễn Tân Hải


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vượt lên gian khổ: Đổi đời từ mùa mãng cầu tết