Vụ xin đổ 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển:  Người nuôi tôm khu vực Vĩnh Tân rất bức xúc

08/11/2016, 16:00

BTO - Mấy ngày qua, thông tin Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 sẽ đổ hơn 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển Tuy Phong sau khi nạo vét luồng lạch hàng hải đã làm những doanh nghiệp sản xuất tôm giống lẫn người nuôi tôm khu vực Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) lo lắng.

         
   

      

         Người nuôi tôm thẻ chân trắng ở Vĩnh Tân rất lo lắng.

Vùng nuôi tôm Vĩnh Tân có bị xóa sổ?

Được biết, tôm giống Bình Thuận cung cấp đến 60% thị trường tôm giống trên cả nước. Thương hiệu và chất lượng đã được nhiều doanh nghiệp nuôi tôm ở các tỉnh thành khác thẩm định và tin dùng từ nhiều năm nay. Do đó, thông tin hàng triệu m3 chất thải từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ nhấn chìm gần khu vực này mà chưa thẩm định tác động môi trường, hoặc thẩm định một cách qua loa sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng sản xuất tôm giống có tiếng của tỉnh. Biết rằng con tôm giống rất nhạy cảm với chất lượng nguồn nước, sự thay đổi đột ngột môi trường sống sẽ làm tôm giống lẫn tôm thịt gần khu vực này chết hàng loạt là điều khó tránh khỏi.

Đang chuẩn bị vào mùa nuôi tôm chính vụ, nhưng nhiều ao tôm khu vực Vĩnh Tân vẫn trơ đáy. Hỏi ra mới biết, một năm thất thu khi các vụ tôm trong năm không đạt sản lượng đã khiến nhiều hộ nuôi cạn vốn. Thêm thông tin chất thải từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ được đổ xuống biển, làm nông dân thêm hoang mang, bức xúc. Ông Hồ Kỳ Hùng – một người nuôi tôm lâu năm tại khu vực xóm 7 – xã Vĩnh Tân tâm tư: “Từ ngày Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân hoạt động, không khí khu vực này rất ô nhiễm, không chỉ trên bờ mà lẫn dưới nước. Hầu hết tôm thẻ chân trắng trong khu vực đều chậm lớn, bị sự cố, người nuôi tôm lỗ nặng từ vụ này sang vụ khác. Vào vụ chính nhưng nhiều người thả nuôi cầm chừng, có hộ treo ao. Nếu việc nhấn chìm hàng triệu m3 chất thải được các ngành chức năng phê duyệt, có lẽ vùng nuôi tôm khu vực này sẽ bị xóa sổ trong nay mai”.

Hiệp hội tôm giống Bình Thuận lên tiếng

Hôm qua, Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh vì mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng sản xuất tôm giống nếu 1,5 triệu m3 chất thải bị đổ xuống vùng biển này. Theo văn bản này, Hiệp Hội tôm giống không hề biết việc xin ý kiến thẩm định hồ sơ cấp giấy phép nhấn chìm bùn thải sau khi báo chí đưa tin. Bên cạnh đó, hai khu sản xuất tôm giống tập trung tại xã Vĩnh Tân chỉ cách các đường ống lấy nước phục vụ sản xuất tôm giống không quá một cây số, nguy cơ bị ô nhiễm môi trường rất cao. Tuy nhiên, việc xin ý kiến thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép nhấn chìm bùn thải sau khi nạo vét luồng hàng hải của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân I của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát Triển Nông thôn và ý kiến của Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Thuận không nhắc tới ảnh hưởng sản xuất tôm giống và nuôi trồng thủy sản xung quanh khu vực này. Đặc biệt, mùa tôm chính vụ đang đến gần, các doanh nghiệp sản xuất tôm giống đã nhập khẩu một lượng lớn tôm bố mẹ để phục vụ cho mùa vụ mới. Theo DNTN Phan Tuấn Cự - Phó Chủ tịch Hiệp hội tôm giống Bình Thuận, hiện nay Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đang nạo vét lấy đất dưới lòng biển để bồi đắp mặt bằng, gây sạt lở đất dọc bờ biển phía sau các khu sản xuất tôm giống xóm 7, khiến các thành viên hiệp hội nói chung và các đơn vị sản xuất tôm giống nói riêng nằm trong khu vực này bị thiệt hại nặng nề. Do đó, kiến nghị UBND tỉnh cần có những giải pháp kịp thời để hạn chế những thiệt hại tiếp theo, ảnh hưởng đến thương hiệu, chất lượng tôm giống Bình Thuận mà các doanh nghiệp đã cố gắng xây dựng nhiều năm qua. Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm giống tại Vĩnh Tân, hiện nay mỗi trại giống có doanh thu hằng năm lên đến hàng tỷ đồng. Các trại này đều cần lấy nước biển để nuôi tôm. Do đó việc nạo vét, đổ thải sẽ làm xáo trộn nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường sống của sinh vật biển, trong đó có tôm giống.

Trước những bức xúc trên, Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận kiến nghị khi tổng hợp các ý kiến về thẩm định hồ sơ, UBND tỉnh cần đặc biệt quan tâm ngành tôm giống và môi trường thủy sản quanh khu vực nạo vét và đổ thải. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh thông báo diễn biến liên quan đến môi trường để các hội viên ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất tôm giống cũng như nuôi trồng thủy sản khác xung quanh nhà máy nhiệt điện.

         
      Được    biết trong hồ sơ xin cấp giấy phép nhận chìm chất thải trên biển,    Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 thừa nhận khi nạo vét, đổ thải, môi    trường trầm tích tại khu vực dự án sẽ bị xáo trộn, ảnh hưởng đến    sinh vật biển, sẽ tiêu diệt các loài sinh vật đáy (nghêu, sò, ốc…),    đặc biệt ảnh hưởng mạnh đến một phần hệ san hô, cỏ biển ven bờ. Ước    tính tổng diện tích san hô, cỏ biển bị hủy hoại lên đến vài chục    hécta. Ngoài ra, trong hồ sơ dự án cũng nhấn mạnh hiện khu vực ven    biển cách điểm nạo vét luồng tàu từ 1.000 đến 2.000 m có các công ty    nuôi tôm giống.

Minh Vân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ xin đổ 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển:  Người nuôi tôm khu vực Vĩnh Tân rất bức xúc