Xử lý ô nhiễm tiếng ồn - còn nhiều bất cập

31/10/2016, 08:26

BT- Ô nhiễm tiếng ồn từ lâu đã trở thành vấn đề bức xúc trong đời sống đô thị và đã có nhiều văn bản pháp quy để hạn chế, xử phạt. Tuy nhiên, việc giải quyết thực trạng này vẫn còn nhiều vướng mắc, đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Những năm qua, trên địa bàn thành phố Phan Thiết nở rộ nhiều cơ sở kinh doanh, mua bán điện máy, điện thoại di động, shop quần áo, quán bar, cà phê giải khát… đua nhau mở thông tin quảng cáo, khuyến mại và nhạc với công suất âm thanh cực lớn để thu hút sự chú ý của khách hàng. Thực trạng này khiến nhiều cư dân sống gần các cửa hàng, than thở: Mở âm thanh quảng cáo sản phẩm và nhạc với âm lượng lớn khiến không thể nào nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả...

Đã có không ít cơ sở bị xử lý theo Điều 12 (vi phạm các quy định về tiếng ồn) của Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009. Ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Phan Thiết cho biết, trước đây phòng đã xử lý vấn đề này thông qua đo độ ồn… một thời gian dài phạt khá nhiều vụ vi phạm. Biện pháp xử phạt căn cứ theo Điều 17  về vi phạm các quy định tiếng ồn của Nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 14/11/2013, mức xử phạt có thể lên đến 160 triệu đồng. Ngoài ra, các đối tượng vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động từ 3 đến 12 tháng, kèm theo là các biện pháp khắc phục hậu quả.  Nhờ đó đã giảm phần nào tình trạng tiếng ồn phát ra từ các cơ sở kinh doanh.

Nếu như những người sống gần các cơ sở kinh doanh khổ sở một, thì những người sống gần các quán nhậu, khổ sở mười, vì họ không chỉ hứng chịu tiếng ồn từ thực khách, mà còn tiếng nhạc từ “ban nhạc hát rong, bán kẹo kéo, singum…”. Thậm chí có những thực khách ngà ngà say, “làm chủ” luôn cả dàn loa và micro của người hát rong, thoải mái hát hò sau đó trả tiền cho “ban nhạc”. Cứ như vậy cho đến quá nửa đêm bất chấp người dân sống lân cận kêu ca phàn nàn. Chị T. - một cư dân ngụ trên một con hẻm đường Phạm Văn Đồng, khu phố 7, phường Bình Hưng bức xúc: Hát gì mà gần như cả đêm, ồn ào, con cháu ngủ không được. Cháu tôi ngủ không được khóc quá phải ẵm ra bờ kè đứng. Tôi mong chính quyền có biện pháp hạn chế, để chúng tôi nghỉ ngơi, chứ sống trong tình trạng này mệt mỏi lắm…

Không chỉ khu phố 7, Bình Hưng, một số cư dân ở khu vực Hùng Vương và nơi khác cũng chịu chung thảm cảnh, họ cho biết: Gần như tối nào cũng không xem tivi được vì âm thanh ầm ĩ từ các đoàn hát rong bên quán nhậu. Có hôm cứ đoàn này đi thì có đoàn khác tới, thành viên trong gia đình trò chuyện với nhau phải nói to mới nghe được. Việc học bài của con cũng bị ảnh hưởng.

Đề cập đến nỗi bức xúc của người dân, ông Lê Chí Thành - Khu phố trưởng khu phố 7, phường Bình Hưng, nơi tập trung nhiều quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng xác nhận, thời gian gần đây, những người hát rong bán kẹo kéo hoạt động trong các quán nhậu rất nhiều. Theo quy định, họ chỉ hoạt động từ khoảng 21 - 22 giờ đêm hoặc cùng lắm 23 giờ, nhưng có  đoàn hoạt động quá khuya (12h - 2h sáng) vì khách nhậu trong quán yêu cầu hát cho họ nghe rồi họ trả tiền, hoặc cũng có khách nhậu trả khoảng 100.000 - 200.000 đồng/giờ cho đoàn hát rong để “làm chủ” dàn loa và micro, cứ như vậy vừa hát, vừa cười, gây cảnh hỗn loạn về khuya. Ông Thành cho biết, ông đã đến quán, nơi có người bán kẹo kéo hoạt động nhắc nhở, yêu cầu họ dừng lại để người khác nghỉ ngơi, nhưng cũng chỉ được vài ngày rồi lại tái diễn.  Dùng biện pháp phạt, chúng tôi không có thẩm quyền… Hiện nay, chúng tôi phối hợp với công an phường đi tuần tra, 2 đêm đi một lần. Hàng tháng họp, yêu cầu các chủ quán nhậu chấp hành an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ đã ký cam kết, nhưng vẫn để thực khách thoải mái hát hò, ăn nhậu quá khuya…

Mức độ tiếng ồn đã và đang ngày càng phổ biến, nghiêm trọng, nhưng qua làm việc với phường, khu phố - những nơi có tình trạng tiếng ồn, hầu hết đều “than” khó xử lý. Bởi khi nghe âm thanh bằng tai, tiếng ồn gây bức xúc, khó chịu cho nhiều người, nhưng nếu cơ quan chuyên môn kiểm tra, tiến hành đo mà tiếng ồn nằm trong mức quy định cho phép thì không thể xử phạt. Thậm chí, khi xác định các cơ sở gây tiếng ồn vượt mức quy định cho phép, việc xử lý cũng phải theo… quy trình. Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết: Kể từ năm 2014 sau khi Chính phủ ra Nghị định 165/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 về quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, thì Phòng VH- TT không được phép đo để xử phạt. Bởi theo Điều 5, khoản 1 và điều 10, khoản 1c của Nghị định trên, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ mới được trang bị thiết bị đo độ ồn sau khi trải qua lớp tập  huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có liên quan. Chính vì vậy, rất bị động mỗi lần đi kiểm tra phải làm giấy đề nghị Công an tỉnh cử đồng chí có nghiệp vụ về đo độ ồn, thì mới tiến hành được. Ông Hòa cho biết thêm, vấn đề này ông đã kiến nghị với các ngành chức năng, tổ chức lớp tập huấn về kiểm tra, đo độ ồn cho Đội 814 (Đội liên ngành quản lý việc thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, TP. Phan Thiết)… nhưng 3 năm qua vẫn chưa tổ chức được, do đó rất khó xử lý…

Hiện Phòng Văn hóa - Thông tin chỉ có cách gửi văn bản chỉ đạo các phường phối hợp với công an phường kiểm tra nhắc nhở.

Lê Ninh

ảnh: Ngọc Lân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xử lý ô nhiễm tiếng ồn - còn nhiều bất cập