Ý kiến của luật sư xung quanh bài viết: “Giải cứu” ô sin từ Ả Rập Xê Út

17/11/2016, 08:21

Kỳ 2: Bên nào phá vỡ hợp đồng?

Kỳ 3:Khẩn trương đưa lao động về nước

BT- Theo nội dung bài viết phản ánh thì chủ sử dụng lao động (LĐ) đã có sự vi phạm các điều khoản của hợp đồng đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể là vi phạm các điều khoản về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, về điều kiện ăn ở, sinh hoạt, về thực phẩm…của người LĐ. Đơn vị đưa người đi làm việc ở nước ngoài cũng đã có sự vi phạm về quyền và nghĩa vụ của bên đưa đi khi không bảo đảm cho người LĐ được ký kết hợp đồng LĐ với người sử dụng LĐ với các điều khoản phù hợp của hợp đồng, không tổ chức quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người LĐ trong thời gian người LĐ làm việc ở nước ngoài được quy định tại khoản 3.4 và 3.7 Điều 3 của hợp đồng.

Đối với trường hợp của bà Võ Thị My - ở xã Tân Phước muốn về nước trước thời hạn đã phải bỏ ra 55 triệu đồng bồi thường hợp đồng là không có căn cứ, trái quy định pháp luật bởi: Căn cứ vào điều khoản bồi thường hợp đồng tại điều 5 của hợp đồng thì người LĐ phải bồi thường căn cứ vào cam kết đã ký kết với công ty, nhưng ở đây theo thông tin của những người LĐ cung cấp thì ngoài ký bản hợp đồng đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài, thì người LĐ không ký kết với đơn vị đưa người đi bản cam kết nào có ghi rõ số tiền phải bồi thường thiệt hại nếu xin về nước trước thời hạn. Nếu đơn vị đưa người đi làm việc ở nước ngoài căn cứ vào khoản 2, Điều 35 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/08/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực LĐ, bảo hiểm xã hội, đưa người LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để buộc người LĐ phải bồi thường thiệt hại là cũng không có căn cứ. Bởi lẽ đơn vị đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài trong trường hợp này không phải là tổ chức có thẩm quyền xử phạt hành chính theo nghị định nêu trên. Việc tranh chấp vấn đề bồi thường thiệt hại nếu các bên không thống nhất thì phải đưa vụ việc ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo khoản 7.3 Điều 7 của hợp đồng. Do vậy, việc đơn vị đưa người đi làm việc ở nước ngoài buộc bà My về nước trước thời hạn phải bỏ ra 55 triệu đồng để bồi thường hợp đồng là trái pháp luật, trái với sự thỏa thuận của các bên tại bản hợp đồng đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài mà các bên đã ký kết.

Mặt khác, theo Công văn số 4644/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 12/11/2015 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc chấn chỉnh hoạt động đưa người LĐ đi làm giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út có nội dung: Để chấn chỉnh hoạt động đưa người LĐ đi làm giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các nội dung như sau: Doanh nghiệp ký Hợp đồng cung ứng LĐ giúp việc gia đình với đối tác Ả Rập Xê Út phải đảm bảo các điều kiện như sau: Độ tuổi người LĐ: Từ đủ 21 đến 47 tuổi; thời hạn hợp đồng lao động: 2 năm và có thể gia hạn; mức lương tối thiểu: 1.300 Rian Ả Rập Xê Út (SR)/tháng; thời gian làm việc và nghỉ ngơi: người LĐ được nghỉ tối thiểu 9h liên tục/ngày và 1 ngày/ tuần. Nếu người LĐ đồng ý làm việc vào ngày nghỉ theo yêu cầu của chủ sử dụng thì được nhận thêm tối thiểu 50 SR/ngày; người LĐ chỉ làm việc tại hộ gia đình trực tiếp của chủ sử dụng theo địa chỉ đã đăng ký với cơ quan chức năng; các chế độ khác: người LĐ được chủ sử dụng đài thọ chi phí đào tạo và xuất cảnh (bao gồm phí visa, vé máy bay lượt đi và về khi kết thúc hợp đồng, tiền dịch vụ trả cho doanh nghiệp Việt Nam và không phải trả tiền môi giới); người LĐ được chủ sử dụng cung cấp miễn phí chỗ ở đảm bảo vệ sinh, riêng tư và ba bữa ăn đủ dưỡng chất mỗi ngày; được mua bảo hiểm y tế và được chữa trị y tế miễn phí trong thời gian làm việc tại Ả Rập Xê Út; người LĐ được phép liên lạc với gia đình của mình và Đại sứ quán/ Lãnh sự quán Việt Nam tại Ả Rập Xê Út.

Hợp đồng cung ứng LĐ phải quy định về điều kiện chấm dứt hợp đồng LĐ trước thời hạn, trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chi phí đưa LĐ về nước phù hợp với mẫu Hợp đồng LĐ, cụ thể: Trường hợp chấm dứt hợp đồng LĐ trước hạn mà lý do không phải từ phía người giúp việc gia đình thì người sử dụng LĐ sẽ chịu chi phí đưa người LĐ về Việt Nam; trường hợp chấm dứt hợp đồng trước hạn mà lý do từ phía người giúp việc gia đình thì người LĐ phải trả cho người sử dụng LĐ một khoản tiền tương đương với 2 tháng lương trước khi về nước, trừ phi người lao động có lý do chính đáng (bị tai nạn, bệnh tật có bệnh án,...) và chịu chi phí vé máy bay về nước. Người LĐ không phải đóng thêm bất cứ khoản chi phí nào khác để về nước. Trường hợp người LĐ chưa thể bồi thường hợp đồng cho chủ sử dụng thì doanh nghiệp có trách nhiệm ứng trước chi phí bồi thường để đưa người LĐ về nước.

Như vậy, theo Công văn số 4644 thì nếu người LĐ chấm dứt hợp đồng trước hạn mà lý do từ phía người lao động thì họ chỉ phải trả cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương đương với 2 tháng lương trước khi về nước, đó là chưa nói đến việc chấm dứt hợp đồng không phải từ phía người LĐ hoặc người LĐ có lý do chính đáng thì không phải trả bất kỳ khoản tiền nào. Ngay trong cả trường hợp nếu người LĐ chưa thể bồi thường hợp đồng cho chủ sử dụng, thì đơn vị đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trách nhiệm ứng trước chi phí bồi thường để đưa người LĐ về nước, sau đó việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại (nếu có) sẽ được các bên giải quyết tại Việt Nam. Trong các trường hợp báo phản ảnh thì đơn vị đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài đều buộc người LĐ, thân nhân người LĐ phải bồi thường trước khi đưa người LĐ về nước là không những trái với các văn bản pháp luật quy định về đưa người đi làm việc ở nước ngoài, mà còn trái với đạo đức xã hội. 

Luật sư Đỗ Minh Trúc

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ý kiến của luật sư xung quanh bài viết: “Giải cứu” ô sin từ Ả Rập Xê Út