Không nên dễ dãi với nghề viết

27/10/2016, 09:29

BT- Gần 20 năm trước, tôi chập chững vào nghề báo. Lạ lẫm, bỡ ngỡ và không biết khởi đầu như thế nào cho một bài viết. Nghề nào cũng vậy, phải chịu khó học hỏi nếu không sẽ tụt hậu hoặc bị đào thải. Học từ cuộc sống, học ở anh em đồng nghiệp cách viết, cách thể hiện, cách đặt vấn đề. Nói thì dễ, ai cũng có thể nói được, nhưng làm mới quan trọng. Nếu nói được mà làm không được thì đừng nên nói, với nghề làm báo đã nói là phải làm, phải viết. Chỉ cần viết đúng, viết trung thực, phản ánh khách quan sự việc thôi cũng là  việc hết sức khó với phóng viên mới vào nghề. Tôi chỉ lấy ví dụ của chính bản thân mình để sẻ chia với bạn đọc và các đồng nghiệp trẻ về chuyện viết lách sao cho chuẩn, cho chính xác.

Lần đầu tiên tôi đi công tác là về huyện miền núi Tánh Linh, ngày ấy con đường từ Căn cứ 6 vào trung tâm huyện chừng 40km nhưng mất gần 2 giờ chạy xe máy, do đường xuống cấp, lại hẹp và rất khó đi. Vật lộn với các “ổ voi”, “ổ gà”, trên đoạn đường đau khổ này, bụi bám đầy xe và người, tôi cũng đến được huyện. Sau khi làm việc với văn phòng ủy ban, nắm tình hình thực tế tại địa bàn, tôi được giới thiệu sang phòng nông nghiệp để tìm hiểu viết về bệnh rầy nâu đang hoành hành tại xã Gia An. Do anh trưởng phòng đi họp, qua điện thoại hẹn tôi đầu giờ chiều sẽ gặp và trao đổi thêm vấn đề này. Nếu dễ dãi với bản thân tôi sẽ chờ anh đến chiều để thu thập thông tin, số liệu từ các bản báo cáo và tin chắc mình đã có đề tài cho một bài viết. Tuy nhiên, tôi chợt nghĩ nếu chỉ dựa vào những thông tin từ huyện thôi vẫn chưa đủ, sao mình không xuống cơ sở, trực tiếp hỏi dân và có hình ảnh minh họa cho bài viết. Nghĩ vậy, tôi và đồng nghiệp tức tốc lên xe máy trực chỉ xã Gia An. Qua trao đổi với phó chủ tịch xã phụ trách nông nghiệp, chúng tôi xuống tận cánh đồng lúa hỏi cụ thể người dân và nắm bắt khá đầy đủ chi tiết về dịch rầy nâu tại đây. Chứng kiến nhiều đám ruộng đang lần lượt chuyển từ màu xanh tươi tốt sang úa vàng, nông dân thì ủ rũ bên cánh đồng, anh Đình Hòa đưa máy lên chụp lia lịa.

Chuyến công tác cơ sở đầu tiên của tôi khá “thành công”, với đầy đủ dữ liệu, thông tin từ huyện, xã và người dân cung cấp, bài viết được tòa soạn trang trọng giới thiệu trang nhất. Thông qua bài viết, ngành chức năng đã có hướng chỉ đạo kịp thời, tập trung xử lý bệnh rầy nâu có nguy cơ lan nhanh ra các vùng khác. Phải nói cảm xúc của tôi lúc ấy rất vui khi lần đầu tiên tác phẩm của mình được các ngành, các cấp, nhất là ở huyện ghi nhận, đánh giá cao. Khoảng 3 ngày sau đó, tôi nhận được cuộc gọi của anh trưởng phòng nông nghiệp huyện cảm ơn vì nêu đúng thực trạng về dịch rầy nâu đang xảy ra trên địa bàn. Tất cả vấn đề anh em báo chí đưa rất đúng, rất trúng nhưng chỉ có một chi tiết chưa chính xác là sai họ của người đã cung cấp thông tin cho mình.

Kể từ đó về sau tôi tự nhủ với mình, khi làm việc với ai, bất kể họ là gì trong xã hội, khi đề cập đến người ta mình phải đưa tên chính xác, chức danh. Đó chính là sự tôn trọng người giao tiếp với mình, tôn trọng bạn đọc và không nên dễ dãi với nghề viết lách.                              

Như Nguyễn


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không nên dễ dãi với nghề viết