10 năm lo nội dung tờ báo

27/10/2016, 09:10

BT- Ông là một trong những người đầu tiên xây dựng Báo Thuận Hải và có gần 10 năm lo nội dung, chữ nghĩa trên báo… 

                
Nhà báo Phạm Xuân Thông, nguyên Phó Tổng    Biên tập Báo Thuận Hải.

Lính Trung đoàn 812

Xuất thân từ người lính Trung đoàn 812 tập kết ra Bắc, Phạm Xuân Thông nhiều lần làm đơn xin đi học lái xe, đi làm thợ nguội nhưng đều không được cấp trên chấp thuận. Năm 1959, ông may mắn trúng tuyển vào khóa 2 Khoa Báo chí  Đại học Nhân dân Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông  nhận việc tại Báo Thời Mới (Hà Nội Mới).  

Với gần 15 năm làm báo trên đất Hà thành, sau giải phóng về lại quê hương, ông là một trong những người “có nghề” làm báo. Ông được Thường vụ Tỉnh ủy giao trách nhiệm là Ủy viên Ban Biên tập rồi Phó Tổng Biên tập Báo Thuận Hải, chịu trách nhiệm nội dung. Ở tuổi 85, nhà báo Phạm Xuân Thông nhớ lại: “Hồi đó phóng viên đếm trên đầu ngón tay. Ngoài các anh: Thanh Đàm, Trần Xuân Lộc, Bùi Quỳnh Lưu, Nguyễn Công Sách...  cứng tuổi thì Thái Quang Trung, Hà Thanh Tú, Phan Văn Đại, Hồ Lê Thanh…  còn rất trẻ.  Số đông anh em đều làm báo “tay ngang””.

 Trò chuyện

Một buổi sáng tại nhà riêng của ông Thông ở số 14/1 đường 21 Tháng 8, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), tôi ngồi trò chuyện cùng ông. Chẳng gì, chuyện Báo Bình Thuận (trước là Báo Thuận Hải) kỷ niệm 40 năm thành lập. Ông lắng nghe, mơ màng, cùng với nụ cười. Ông nói nhưng thật ra đang “ôn cố tri tân”: “Thuận Hải trước đây dài hơn 300 cây số, từ giáp Khánh Hòa đến giáp Đồng Nai. Buổi sáng ngồi xe, buổi chiều chưa chắc đi hết chiều dài của tỉnh.  Xe cộ  không nhiều, nên đi cơ sở thường vất vả gian nan… song các trang viết của phóng viên thì gần như tươi ròng”. 

Hồi đó, trên căn phòng cao nhất của trụ sở báo, với cặp kính dày, ông lặng lẽ đọc từng trang bản thảo để “gạn đục khơi trong”.  Với những phóng viên mới vào nghề, ông dành thời gian gặp họ tại phòng làm việc. Họ kể với ông nhiều chuyện. Ông lắng nghe rồi nhân đó chỉ cho họ những điều theo ông là chưa được trong bài viết. Bằng “truyền nghề trực tiếp”, nhà báo Phạm Xuân Thông đã giúp cho nhiều phóng viên trẻ trưởng thành. “Năm 1976 tôi về Báo Thuận Hải, đến năm 1985 về hưu. Ngày rời báo nhớ lắm. Nhớ nhiều anh em, cũng như không quên cách viết của một cây bút mới vào nghề nhưng viết rất có hồn, đậm chất văn chương”, nhà báo Phạm Xuân Thông nheo mắt cười.

 Nặng nợ báo chí - văn chương

Nhà báo Phạm Xuân Thông còn là cây bút văn xuôi. Nhắc đến chuyện văn xuôi, ông  bảo tôi để ông pha thêm ấm trà rồi hãy nói vì văn chương là chuyện cuộc đời, buồn vui, sướng khổ… Một chút nắng hanh vừa lọt qua vòm lá trong khu vườn nhà ông, chiếu xuống nơi chúng tôi ngồi trò chuyện. Chút nắng hanh ấy có phần làm ông thích thú thì phải, giọng ông cao lên khi nói: “Từ khi độc thân cũng như lúc lập gia đình, đôi lúc mình chuẩn bị sẵn lương thực “đóng cửa” để luyện… chữ! Mình sưu tầm một số truyện cổ dân gian Chăm, rồi gởi xuất bản trước năm 1975 ở Hà Nội. Sau khi về hưu vẫn sáng tác”.

Nhà báo Phạm Xuân Thông đã xuất bản nhiều tập truyện dài, do Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Thuận tài trợ. Các tác phẩm của ông được bạn đọc yêu thích như: Đường về năm ấy (1999), Tầm cao thôn xóm (2001), Nợ chưa vay (2005), Những người không chọc thủng trời (2005)… Ông có lối dẫn truyện duyên dáng, chữ nghĩa dung dị như lời ăn tiếng nói của người dân vùng cực Nam Trung bộ. Nhà báo Phạm Xuân Thông còn là nhà văn tiêu biểu của vùng đất Ninh Thuận, có nhiều đóng cho phong trào sáng tác văn xuôi địa phương.

Đến thăm nhà báo Phạm Xuân Thông, chúng tôi được thưởng thức những chung trà đậm đà hương vị theo cách pha cẩn trọng của riêng ông. Có lẽ ông là người có cách pha trà “công phu” như công việc làm báo, viết văn. “Gần 10 năm tôi phụ trách nội dung xuất bản Báo Thuận Hải, tuy thời gian không dài nhưng rất nhiều kỷ niệm thân thiết với anh em đồng nghiệp. Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Báo Bình Thuận, tôi mong có dịp gặp lại anh em đồng nghiệp để thăm hỏi, nhắc kỷ niệm những năm tháng làm Báo Thuận Hải tuy khổ, thiếu thốn nhưng ấm áp lòng yêu người, yêu nghề!”, nhà báo Phạm Xuân Thông bày tỏ.

    
      Thuận Hải trước đây dài hơn 300 cây số, từ giáp Khánh Hòa đến giáp   Đồng Nai. Buổi sáng ngồi xe, buổi chiều chưa chắc đi hết chiều dài của   tỉnh. Xe cộ không nhiều, nên đi cơ sở thường vất vả gian nan… song các   trang viết của phóng viên thì gần như tươi ròng.

Thái Sơn Ngọc


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
10 năm lo nội dung tờ báo