Hơn nửa triệu đồng một ký thanh long vàng

27/10/2016, 08:44

BT- Những ngày qua, thông tin trên một số tờ báo về giá một ký thanh long vàng của Malaysia bán tại TP. Hồ Chí Minh có giá tới 700.000 đồng và lại được nhiều khách hàng Việt ưa chuộng. Không phải là sự đồn thổi mà là có thật, chủ một cửa hàng chuyên bán trái cây lạ ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh, cho biết đã nhập thanh long vàng của Malaysia hơn một tháng nay, cứ 2 ngày nhập một lần khoảng 40 - 50kg/thùng. Dù giá bán đến 690.000 đồng/kg nhưng do lạ nên sản phẩm luôn cháy hàng, nhập đến đâu bán hết đến đó. Lý giải thêm cho cái giá quá cao ấy, chủ cửa hàng này nói rằng, đây là giống thanh long đặc sắc ở Malaysia, chỉ có trái vào những tháng cuối năm và số lượng thu hoạch mỗi mùa khá ít. Lượng cung hiếm, cửa hàng lựa chọn trái loại 1 lại vận chuyển bằng đường hàng không, chi phí cao nên giá đắt.

                
Thanh long vàng của Malaysia có giá 690.000    đồng/kg.

Nếu so sánh với giá thanh long ruột trắng, ruột đỏ tại Bình Thuận vào thời điểm này thì giá thanh long vàng cao gấp 30 - 40 lần. Vì sao có chuyện giá của cùng một mặt hàng trái cây, chỉ khác màu sắc lại một trời, một vực như vậy? Nhiều người cho rằng, trước hết Malaysia trồng diện tích ít, cộng thêm tâm lý chuộng hàng ngoại, hàng lạ  nên giá bị đẩy lên cao.

Theo một số hộ đã từng trồng thử nghiệm thanh long vàng, dây thanh long không có gì khác so với thanh long ruột trắng, chỉ khác trái của nó khi chín, vỏ có màu vàng giống như trái thơm chín loang lổ, có hình dáng không đẹp, thịt ăn lại không ngon bằng các loại thanh long khác. Điều đó có thể nêu lý do vì thanh long vàng chưa hợp với vùng đất Bình Thuận hay loại thanh long này có nét đặc thù nào đó trong trồng, chăm sóc rất cần các nhà khoa học tìm hiểu cùng nông dân?

Tuy nhiên, trước mắt qua câu chuyện lựa chọn trồng thanh long của nông dân Malaysia, người ta thấy có hàm lượng “chất xám” trong trái, tức có tính toán thị trường, đánh trúng thị hiếu người tiêu dùng để họ chịu bỏ chừng ấy tiền ra mua một ký thanh long để ăn thử. Và sau khi ăn thử thì chuyện tiếp tục mua, không mua thuộc về sự lựa chọn của đa số người tiêu dùng. Trở lại với chuyện thanh long Bình Thuận. Những tháng qua, thanh long Bình Thuận loay hoay giữa sâu bệnh tấn công, sản xuất sạch với chi phí và thị trường tiêu thụ; trong khi thị trường xuất khẩu thì đìu hiu hơn năm trước, còn thị trường nội địa thì bỏ ngỏ. Dù mang tiếng xuất vào 15 thị trường thuộc châu Á, châu Âu, châu Mỹ; tuy nhiên thị trường tiêu thụ chủ lực của thanh long Bình Thuận là các nước châu Á, trong đó thị trường chính là Trung Quốc thường mua với giá không cao, thậm chí có lúc hàng ứ đọng, phải bán đổ bán tháo. Câu chuyện thanh long Malaysia gợi lên cho chúng ta bài học về đầu tư chất xám trong sản xuất, cũng như vấn đề nghiên cứu thị trường. Malaysia vẫn thừa biết Việt Nam có thanh long nhưng thanh long vàng của họ vẫn vào được thì phải chăng do thanh long của họ có sự khác biệt, ít ra cũng là cái màu vàng  gợi tò mò, chứ chưa bàn đến chất lượng.

    
         Nếu so sánh với giá thanh long ruột trắng, ruột đỏ tại Bình Thuận vào   thời điểm này thì giá thanh long vàng cao gấp 30 - 40 lần.

Hảo Chi


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn nửa triệu đồng một ký thanh long vàng