Đảm bảo lợi ích chính đáng cho phụ nữ dân tộc thiểu số

03/11/2016, 08:19

BT - Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, phụ nữ dân tộc thiểu số trong tỉnh đã được hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, giảm nghèo và được đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng.

Tỉnh ta có 34 đồng bào dân tộc thiểu số với 21.276 hộ/96.346 khẩu, chiếm 7,6% so với dân số tỉnh. Trong đó, phụ nữ dân tộc thiểu số chiếm 50%, tập trung ở 17 xã thuần và 32 thôn xen ghép thuộc 8/10 huyện, thị, thành phố của tỉnh. Đời sống của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn trên các mặt, tỷ lệ hộ nghèo còn nhiều. Những năm qua, ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sự nghiệp giáo dục và y tế gắn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó phụ nữ dân tộc thiểu số được quan tâm hỗ trợ trên các mặt. Ban Dân tộc, Hội Phụ nữ các cấp đã tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên thay đổi tư duy, cách làm mới trong lao động sản xuất, mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết trong thôn, bản gắn với tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn hội viên chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, kinh doanh đã đem lại hiệu quả thiết thực. Tập trung khai thác các nguồn lực, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Cùng với đó, từ nguồn vốn đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cơ sở dạy nghề của tỉnh và các trung tâm dạy nghề cấp huyện đã đào tạo nghề cho 60.758 lao động vùng nông thôn với 10.520 lao động là người dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, vận động gia đình hội viên phụ nữ tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” vệ sinh môi trường được đẩy mạnh nhằm thay đổi nhận thức về giới, hành vi chăm sóc sức khỏe phụ nữ - KHHGĐ. Cơ sở vật chất và trang thiết bị khám chữa bệnh, cung cấp dịch vụ bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ được quan tâm đầu tư. Đến nay, 100% xã có trạm y tế, có bác sĩ, có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, có 4 xã thuần đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác vệ sinh phòng dịch được duy trì, bệnh sốt rét được kiểm soát có hiệu quả, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 21,6%, đã thanh toán bệnh bại liệt, cơ bản loại trừ uốn ván sơ sinh, tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm 2 mũi vắcxin phòng uốn ván đạt trên 90%; tỷ lệ phụ nữ sinh tại trạm y tế tăng…

Ông K’ Rẻm – Phó Ban Dân tộc tỉnh cho biết, hiện tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số ở các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện chiếm tỷ lệ rất ít. Năng lực công tác lãnh đạo, quản lý của cán bộ nữ còn gặp nhiều khó khăn nhất định. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ phụ nữ còn mặc cảm, tự ti về giới, an phận, thụ động, ngại khó trong học tập, rèn luyện, thiếu ý chí vươn lên, còn đặt nặng trách nhiệm gia đình lên sự thành đạt của mình. Vì thế, thời gian tới cần chăm lo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, triển khai thực hiện tốt các chính sách về phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào thiểu số, trong đó có cán bộ nữ để đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong tình hình mới.  

Thanh Thủy


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảm bảo lợi ích chính đáng cho phụ nữ dân tộc thiểu số