Trò chuyện tháng 10: Thông tin đúng, kịp thời là hỗ trợ phát triển

27/10/2016, 08:56

BT- Nhân kỷ niệm Báo Bình Thuận 40 tuổi, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Hồ Trung Phước, UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về quản lý báo chí, định hướng dư luận và quyền tiếp cận thông tin của người dân.

                
Ông Hồ Trung Phước, UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng    ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Sự xuất hiện của công nghệ thông tin (IT- Information Technology)  khiến thế giới trở nên phẳng. IT không chỉ giúp thông tin nhanh nhạy mà còn xóa bỏ những rào cản. Tuy nhiên, bên cạnh sự chuyển tải thông tin tốt, độ tin cậy cao, IT cũng  truyền đi không ít thông tin thiếu kiểm chứng, không lành mạnh…  và theo đó tạo nên những dư luận không tốt, những cách đánh giá phiếm diện về vấn đề nào đó. Ông nghĩ gì về sức mạnh của thông tin, cũng như cách xử lý thông tin?

Ông Hồ Trung Phước:  Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin. Thông tin là tài nguyên, là nguồn lực phát triển cho một quốc gia, một địa phương, thậm chí cho một đơn vị sản xuất. Thông tin được sự hỗ trợ của công nghệ đã xóa mờ mọi biên giới, xâm nhập sâu vào đời sống xã hội của một nước, nhiều nước. Tuy nhiên, thông tin có tính hai mặt: tốt và xấu, mức độ chất lượng khác nhau.  Vấn đề là: tiếp nhận và xử lý thông tin như thế nào?  Hiểu như thế nên thời gian qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã coi trọng việc tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin. Chỉ riêng vấn đề xử lý thông tin từ dư luận xã hội thôi, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng một lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội. Vài năm gần đây, lực lượng  này được tăng cường về chất lượng, có “nghề” hơn trong thu thập thông tin  nhân dân. Họ là những người đại diện cho nhiều giai tầng trong xã hội, từ Mặt trận, cựu chiến binh cho đến tiểu thương, nông dân. Ban Tuyên giáo thông qua lực lượng này nắm bắt dư luận xã hội (kể cả trái chiều) để tham mưu, giúp lãnh đạo tỉnh biết được người dân đang nghĩ gì, lòng dân thế nào, phản ứng ra sao trước những chủ trương, chính sách mới đang thực hiện tại địa phương, cũng như  những thay đổi trong điều hành của chính quyền. Qua đó, lãnh đạo tỉnh sẽ có cái nhìn sâu hơn, bao quát hơn về những gì đang vận hành, diễn ra của quá trình quản lý, lãnh đạo địa phương.

Ông  vừa nói đến vấn đề  xử lý thông tin, trong đó có tin đồn, nhưng làm cách nào  để hạn chế tin đồn thất thiệt?

Ông Hồ Trung Phước: Đúng vậy. Khi con người xuất hiện, hình thành nên cộng đồng là có tin đồn. Tin đồn thỏa mãn tính tò mò của con người và cũng chứa những thuộc tính của thông tin là mang đến cho người nghe một điều gì đó.  Những  tin đồn úp úp, mở mở, hư hư, thực thực càng khiến nhiều người dễ tin hơn, dù đôi khi nghĩ lại thấy rất vô lý. Lúc này, công tác của tuyên giáo trở nên khó khăn hơn hết. Một điều dễ nhận thấy qua một số vụ việc, đôi khi khởi đầu từ tin đồn, thông tin được cơ quan tuyên giáo nhanh chóng nắm bắt, qua đó loại trừ sự thất thiệt và có phương án xử lý. Và chính các cơ quan báo chí, gần nhất là Báo Bình Thuận là cánh tay đắc lực của Đảng trong việc cung cấp những thông tin chân xác, thông tin có định hướng, những thông tin có độ  tin cậy cao, qua đó từng bước đẩy lùi những tin đồn thất thiệt. Mặt khác, để hạn chế tin đồn thất thiệt, cơ quan Đảng, cấp chính quyền cần đề cao trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí (trừ những vấn đề liên quan đến bí mật an ninh quốc gia), cũng như tạo ra nhiều “kênh” để người dân tiếp cận thông tin.  

Ông có ngại khi đánh giá thẳng thắn về Báo Bình Thuận? Ông nghĩ gì về phản biện báo chí? 

Ông Hồ Trung Phước: Theo tôi, thời gian qua, Báo Bình Thuận đã làm khá tốt khâu tuyên truyền chủ trương chính sách, nhân rộng nhân tố điển hình, khích lệ tinh thần thi đua trong xã hội. Nói chung là hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, nhưng mong muốn của lãnh đạo tỉnh, báo cần làm tốt hơn thế nữa trong thời gian tới. Báo Bình Thuận là cơ quan ngôn luận của Đảng, là diễn đàn của nhân dân nên nội dung cần thể hiện tính hai chiều, có trao đổi qua lại và nếu cần thiết thì phản biện. Phản biện một cách trung thực, khách quan, với mục đích là làm cho điều chưa được trở nên tốt hơn. Phản biện không đồng nghĩa với lợi dụng quyền được thông tin để làm sự việc trở nên phức tạp, rối hơn. Hiểu như thế sẽ thấy phản biện nằm trong quy luật phát triển. Nói khác đi, bên cạnh việc nhân rộng các nhân tố điển hình, cần có sự phê phán những việc làm sai, quan liêu, xa rời nhân dân, nặng tính cá nhân, xem nhẹ tập thể. Có phê phán, báo chí mới làm tròn chức năng tuyên truyền, cổ động tập thể và giáo dục tập thể. Điều đó  giống như liều thuốc làm cho xã hội thêm lành mạnh. Trong quá trình ấy, Ban Tuyên giáo sẽ định hướng, là điểm tựa để anh em phóng viên dấn thân viết những bài báo đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực.

Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là sẵn sàng cung cấp thông tin, thông tin có định hướng về những vấn đề mới phát sinh một cách kịp thời đến dân,  tạo sự đồng thuận xã hội, để xây dựng và phát triển tỉnh nhà ngày một tốt hơn. Hiện nay có rất nhiều “kênh” để báo chí tiếp cận thông tin. Ngoài việc giao ban báo chí hàng quý, họp báo định kỳ 6 tháng/lần, những người làm báo còn có thể tham khảo nhiều thông tin, tài liệu trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, trong đó cả số điện thoại người phát ngôn ở các cơ quan ban ngành, ở các huyện, thị, thành phố. Đây là một bước tiến trong cung cấp thông tin cho báo chí. Mục đích là thông qua  báo chí, giúp người dân tiếp cận thông tin tốt hơn, đầy đủ hơn.

                
Phóng viên Báo Bình Thuận đang tác nghiệp.    Ảnh: Đình Hòa.

Cảm ơn ông về những đánh giá. Tôi tin với sự tạo ra nhiều kênh thông tin cho báo chí tiếp cận, đưa tin, thời gian tới báo chí, trong đó có Báo Bình Thuận sẽ khởi sắc hơn. Có một câu hỏi nhỏ, ở vị trí Trưởng ban Tuyên giáo, ông có thường gặp phải những vấn đề đòi hỏi chính kiến trong xử lý…?

Ông Hồ Trung Phước: (Cười)… Rồi. Đó là thời gian Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh chiếu một bộ phim Trung Quốc, trong đó có một số diễn viên ký vào đơn của phía Trung Quốc phản bác phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan khi bác bỏ yêu sách về đường lưỡi bò trên biển Đông.

Đài trình bày nguyện vọng của đại đa số người xem và hỏi ý kiến Ban Tuyên giáo, tôi nhất trí cho dừng chiếu phim này. Liền đó, các báo đưa tin, nhiều ý kiến trái chiều nổi lên, lớp ủng hộ, lớp nghi ngờ tư tưởng bài Trung sẽ ảnh hưởng ngoại giao... Về mặt này, lâu nay Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, đã đa phương hóa các mối quan hệ để đem lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc. Vì thế, với những gì xâm hại đến lợi ích to lớn ấy như yêu sách vô lý về đường lưỡi bò trên biển Đông của Trung Quốc thì chúng ta phải đấu tranh phản bác. Và việc dừng chiếu bộ phim trên cũng chỉ là thể hiện chính kiến không đồng tình đối với những diễn viên có hành động không đúng thôi!

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

    
      Báo Bình Thuận là cơ quan ngôn luận của Đảng, là diễn đàn của nhân dân   nên nội dung cần thể hiện tính hai chiều, có trao đổi qua lại và nếu cần   thiết thì phản biện. Phản biện một cách trung thực, khách quan, với mục   đích là làm cho điều chưa được trở nên tốt hơn. Phản biện không đồng   nghĩa với lợi dụng quyền được thông tin để làm sự việc trở nên phức tạp,   rối hơn...

Bích Nghị (thực hiện)


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trò chuyện tháng 10: Thông tin đúng, kịp thời là hỗ trợ phát triển