Thầy giáo - họa sĩ trẻ Mai Phan Thành  và những bức tranh quê giàu cảm xúc

19/11/2016, 11:20

BTO - Mai Phan Thành (sinh năm 1984), hiện là giáo viên dạy mỹ thuật tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thượng Hiền, xã Tân Hà, huyện Đức Linh. Những năm gần đây, bên cạnh việc hướng dẫn lớp đàn em trên bục giảng, anh còn sáng tác tranh mỹ thuật và có những tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao. 

         
   

      

         Thầy giáo - họa sĩ trẻ Mai Phan Thành bên tác phẩm Lũ về.

Mai Phan Thành kể khi còn đi học, anh đã thích vẽ tranh và nặn tượng, những nét vẽ nghuệch ngoạc trên trang giấy học trò về những hình ảnh trước mắt. Còn nặn tượng thì ở quê sẵn đất sét nên cứ tiện tay nặn đủ thứ, từ cầu thủ bóng đá Ronaldo “béo” vốn khi đó anh rất mê cho đến một cô Hoàng Cúc mà anh tưởng tượng ra khi học bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Thành quả khích lệ cậu học trò mê nặn tượng khi đó là bức tượng cô Hoàng Cúc kích cỡ 30 x 30 cm đã được một người quen xin mang về trưng.

Năm cuối trung học, sau khi xác định sẽ thi vào ngành sư phạm mỹ thuật - trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai, Thành được một người anh chỉ thêm cho một số kiến thức hội họa, đồng thời tặng cho cuốn sách Mỹ thuật căn bản, từ đó ôn luyện thi đậu vào ngành này. Những năm học trong trường, anh mới thấy bao điều mới mẻ qua sự truyền đạt của thầy cô và tự tìm hiểu nhưng lại chưa tự tin sáng tác mà an lòng với việc đi dạy sau khi ra trường vào năm 2005.

Cho đến khi theo học lớp đại học từ xa do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở, những kiến thức mới, cộng với lời động viên từ thầy cô (cũng là những họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật), cùng với việc thường xuyên làm bài tập nên Mai Phan Thành mạnh dạn bắt tay vào vẽ những tác phẩm đầu tiên mà anh nói vui là “chỉ để một mình mình xem mà thôi”.

Năm 2013, Mai Phan Thành Thành vẽ bức tranh sơn dầu có tựa đề Lũ về, được coi là bức vẽ thành công bước đầu, thể hiện cảnh mọi người đắp đê chống lũ bảo vệ ruộng đồng. Được sự động viên của bạn bè, anh mạnh dạn gởi về Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh dự xét chọn để tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đông Nam bộ. Thật vinh dự, ngay trong lần đầu tiên ấy, bức tranh được chọn treo, và Thành cùng một người bạn đã chạy xe máy vào tận Bà Rịa Vũng Tàu để dự khai mạc triển lãm.

Tự tin với thành công ban đầu, năm sau Thành tiếp tục vẽ bức thứ hai là Lò gạch, bức tranh này cũng được chọn treo trong triển lãm khu vực tổ chức tại Bình Dương. Với suy nghĩ “Tranh sơn dầu vốn đã quá quen thuộc, nhiều họa sĩ đã vẽ rất đẹp, nếu không có sự bứt phá trong đề tài hoặc phong cách thể hiện thì sẽ khó mà thành công”, chính vì thế anh đã chọn cho mình một thể loại mới để thể hiện, đó là tranh khắc gỗ. Đây là một thể loại khó làm, đòi hỏi người họa sĩ phải đào sâu suy nghĩ về ý tưởng, cần mẫn trong cách thể hiện và tinh tế trong tạo hình mới có thể thành công. Theo Mai Phan Thành, tranh khắc gỗ thể hiện ý tưởng, chuyển tải được đề tài quen thuộc, gần gũi với đời sống xung quanh mình hàng ngày. Cái tài của người tác giả thể hiện qua nét khắc, độ bóng của hình. Để làm một bức tranh khắc gỗ, người họa sĩ phải phác thảo, phóng lớn, scanner hình ngược. Trong lúc thể hiện vì là khắc âm bản, mộc bản nên phải dựa vào cảm xúc của mình để thể hiện độ sáng tối của tranh.  

         
   

      

         Tác phẩm Lối về.

Năm 2015, bức tranh khắc gỗ Lối về thể hiện đàn trâu về làng trong buổi chiều tà của anh đã được Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ Thuật Việt Nam đánh giá cao trong triển lãm khu vực Đông Nam bộ tổ chức tại Đắc Nông, được giới thiệu để Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam xét giải. Cũng trong năm này, anh được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các bậc đàn anh trong nghề để trau dồi nghề nghiệp. Mới đây, anh có tác phẩm khắc gỗ thứ hai là Bên bờ ao khắc họa bầy vịt đang tung tăng bơi lội, bức tranh này tham gia triển lãm khu vực năm 2016 tại Lâm Đồng và cũng được giới thiệu dự xét giải thưởng ở Trung ương.

Tuy thực hiện ít - mỗi năm một tác phẩm - nhưng cả 4 bức đều được chọn triển lãm khu vực Đông Nam bộ, đó là điều có lẽ ít họa sĩ trẻ nào khởi đầu thuận lợi đến thế. Theo nhà điêu khắc Hồ Thái Thiết, “đó là điều đáng quý, phải có niềm đam mê cháy bỏng thì mới khắc được những bức tranh như thế, bởi nó đòi hỏi những chi tiết rất tỉ mỉ”. Còn họa sĩ Đức Hòa - Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận - đánh giá “Dẫu là tranh độc bản, người xem chỉ nhìn hai màu đen - trắng nhưng vẫn thấy được chiều sâu của tác phẩm. Mong rằng Thành sẽ có thêm nhiều tác phẩm mới ở thể loại này để mang đến người yêu nghệ thuật”.

Giờ đây, Mai Phan Thành vẫn ngày ngày đứng trên bục giảng truyền dạy những kiến thức hội họa cho những học trò của mình. Theo nhà giáo trẻ này, việc dạy mỹ thuật trong trường phổ thông hiện nay cũng gặp không ít khó khăn do học sinh không mặn mà lắm với môn học này, chính vì thế để tạo động lực, niềm đam mê cho các em thì phải thể hiện bài giảng sinh động, với những hình ảnh cụ thể, trực quan thì các em mới dễ tiếp thu và bắt nhịp bài học.

Hiện tại, gia đình anh đang sống tại thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh. Cha mẹ đã lớn tuổi, các con còn nhỏ nên lương giáo viên của hai vợ chồng trang trải cũng không mấy dư giả. Anh thường xuyên nhận hợp đồng đi vẽ tranh tường cho các gia đình, quán cà phê ở Đức Linh, Tánh Linh. Sự chịu khó và tài hoa của chàng trai gốc xứ Quảng đã phần nào giúp kinh tế gia đình ổn định, và từ đó giúp anh có thêm niềm đam mê cho nghệ thuật.

Con đường sáng tạo của người họa sĩ trẻ còn rất dài ở phía trước, và chúng ta mong chờ những tác phẩm mới của anh, những bức sơn dầu, tranh khắc gỗ hay một thể loại nào khác nữa…và tin tưởng rằng, đó sẽ lại là những bức tranh mang hơi thở của cuộc sống quanh mình, được sự đón nhận của mọi người, đồng thời đóng góp cho phong trào mỹ thuật tại địa phương ngày một phát triển.

Thành Chương


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy giáo - họa sĩ trẻ Mai Phan Thành  và những bức tranh quê giàu cảm xúc