Thanh long, thị trường và kim ngạch: Vì sao kim ngạch xuất khẩu thấp?

27/10/2016, 08:42

BT- Mới đây, tại cuộc họp với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng về kết quả hoạt động 9 tháng năm 2016, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương đã đề cập đến tình hình tiêu thụ thanh long ở địa phương.

                
      
Thanh long Bình Thuận được thị trường Trung    Quốc tiêu thụ với số lượng lớn. Ảnh: Đình Hòa

Theo đó, từ đầu năm 2016 đến nay, sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu chính ngạch thanh long Bình Thuận tiếp đà sụt giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ thanh long ở các thị trường vẫn bình thường. Dẫu biết rằng sản lượng thanh long của tỉnh chỉ có 15 - 20% tiêu thụ nội địa, còn lại 80 - 85% tập trung cho xuất khẩu mà Trung Quốc chính là thị trường trọng điểm… Gần đây xuất khẩu  thanh long Bình Thuận sang thị trường đông dân nhất thế giới cũng gặp thuận lợi hơn, vì ngoài 2 cặp cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) - Pò Chài (Quảng Tây) và Kim Thành (Lào Cai) - Hà Khẩu (Vân Nam) thì nay còn có cặp cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) - Thiên Bảo (Vân Nam). Dù vậy, số lượng thanh long Bình Thuận được các doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh thu mua chủ yếu để vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc bán cho thương nhân Trung Quốc theo hình thức biên mậu, chỉ phần nhỏ còn lại là xuất khẩu chính ngạch.

 Việc xuất khẩu thanh long theo hình thức biên mậu nêu trên diễn ra hết sức sôi động vì nếu xuất chính ngạch, doanh nghiệp phải chịu mức thuế VAT theo quy định của Trung Quốc là 13% (thuế nhập khẩu 0%). Do đó trái thanh long Việt Nam xuất sang thị trường này dĩ nhiên chuộng hình thức biên mậu hơn vì được giảm thuế, như ở cửa khẩu Pò Chài (Quảng Tây) áp dụng mức thuế là 6,5% (giảm 50% so xuất chính ngạch), tại 2 cửa khẩu Thiên Bảo và Hà Khẩu (Vân Nam) mức thuế chỉ còn 3%... Số liệu thống kê của ngành chức năng tính riêng trong gần 10 tháng qua cho thấy, lượng thanh long xuất theo hình thức biên mậu sang thị trường Trung Quốc là hơn 555.450 tấn, đạt kim ngạch 422.745.000 USD. Cụ thể: thanh long xuất qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) là hơn 297.480 tấn với kim ngạch 247.310.000 USD, qua cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) gần 255.920 tấn, đạt kim ngạch 175.435.000 USD, còn lại qua cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai).

Có thể thấy từ đầu năm 2016 đến nay, kim ngạch xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc của cả nước rất cao (gần 423 triệu USD), nhưng tính riêng của Bình Thuận lại đạt rất thấp. Trong 9 tháng năm nay, số lượng thanh long địa phương xuất khẩu chính ngạch của các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục giảm, chỉ đạt 6.184 tấn với kim ngạch 4,385 triệu USD. Trước đó cả năm 2015, doanh nghiệp Bình Thuận đã tham gia xuất khẩu xấp xỉ 12.660 tấn thanh long chính ngạch vào 14 thị trường và đạt giá trị 8,02 triệu USD…

Một nguyên nhân khác, có thể lý giải vì sao kim ngạch xuất khẩu cả nước rất cao, còn Bình Thuận đạt thấp bởi thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh nhiều loại thanh long, nên một số đơn vị xuất khẩu thanh long chính ngạch của địa phương không dám ký hợp đồng cung cấp cho thị trường khác, do lo ngại không đáp ứng đủ lượng hàng khi cạnh tranh thu mua với doanh nghiệp xuất theo hình thức biên mậu. Ngoài ra, hiện cũng có nhiều doanh nghiệp địa phương thu mua nhưng không trực tiếp xuất khẩu thanh long mà chỉ bán lại cho doanh nghiệp ngoài tỉnh, đa số là tại TP. Hồ Chí Minh để xuất bán nên Bình Thuận “mất” đi số kim ngạch này…

    
         Từ đầu năm 2016 đến nay, kim ngạch xuất khẩu thanh long sang Trung   Quốc của cả nước rất cao (gần 423 triệu USD), nhưng tính riêng của Bình   Thuận lại đạt rất thấp.

 QUỐC TÍN


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh long, thị trường và kim ngạch: Vì sao kim ngạch xuất khẩu thấp?