Thương quá hóa bóp nghẹt

08/11/2016, 14:01

BTO - Một trong những nét cải cách mới nhất trong đợt cải cách giáo dục gần đây nhất (từ năm học 2000 – 2001) là lấy người học làm trung tâm. Trong tập huấn về phương pháp dạy học, quan điểm này được yêu cầu triệt để thực hiện. Thực tế của những buổi họp mạng lưới, quan điểm này cũng được yêu cầu “thực hiện quyết liệt”. Nhưng mọi thứ chỉ diễn ra trong giờ học với biểu hiện rõ nhất có lẽ người học được kéo bàn ghế lại để ngồi thảo luận nhóm. Còn lại, các phương diện khác đều vẫn như cũ. Người học vẫn là những “thiên thần bé bỏng”, luôn cần được phải nhồi nhét kiến thức.

Học sinh luôn luôn bé bỏng

Thầy cô giáo ở ta về cơ bản là rất yêu thương học sinh, chỉ trừ những thầy cô phải đì ép học sinh vì chuyện chúng không chịu đi học thêm hoặc một số thầy cô khác tính tình nhỏ nhen nên trù dập những học sinh làm trái ý mình.

Thầy cô rất thương, rất yêu học sinh. Và có lẽ vì thế mà luôn luôn sợ học sinh không hiểu nên càng ngày càng nhồi nhét, thậm chí làm thay việc cho học sinh.

Một cô giáo được phân công dạy môn ngữ văn lớp 12 (năm học 2012 – 2013) tại một trường ở trung tâm thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Gặp nhau hỏi thăm chuyện công việc, lúc nào cũng nghe cô than mệt. Ngoài chuyện họp hành sổ sách ra thì cô còn mệt vì học sinh cô quá thụ động.

Đầu năm học, tổ chức cho lớp làm ngoại khóa bằng cách diễn kịch thì cô phải lo viết kịch bản. Hỏi sao cô không giao cho học sinh viết, cô bảo chúng nó còn nhỏ, biết gì mà viết. Đạo cụ, trang phục thì cô cũng phải tất bật đi liên hệ để mượn. Hỏi sao không để cho các em tự lo, cô bảo chúng nó còn bận phải đi học thêm các môn toán, lý, hóa còn đâu thời gian mà tự lo. Đến khâu diễn tập, vai trò đạo diễn cũng là cô. Thế là cô ôm đồm tất cả các công việc chuẩn bị vào mình. Mọi lý giải đều được quy về câu than thở “Học sinh xứ nghèo, không có điều kiện như ở các thành phố lớn”.

Kết cục là học sinh chỉ việc sắm vai. Dẫu sao thì kết quả cũng được đánh giá tốt. Vì có sự chuẩn bị chu đáo.

Giá mà cô giáo cứ để cho các em tự phân công nhau: nhóm viết kịch bản, nhóm chuẩn bị đạo cụ, trang phục, người làm đạo diễn. Nếu các em không liên hệ mượn được đạo cụ, trang phục thì phải biết tự sáng tạo, phải biết tận dụng những thứ sẵn có. Áo mưa cũ, giấy các -ton chắc không đến nỗi không tìm ra. Khi trực tiếp viết kịch bản và làm đạo diễn thì học sinh mới nói được thông điệp bằng chính suy nghĩ của mình. Và cao hơn, lúc đó học sinh mới thấm được nội dung của bài học. Đấy là chưa kể nhân dịp đó, tập luyện cho các em biết cách làm việc nhóm.

Hiện nay khá phổ biến tình trạng giáo viên cứ lo học sinh còn bé bỏng nên vô tình trở nên luôn có xu hướng nhồi nhét kiến thức cho các em.

Nhồi nhét, nhồi nhét và… nhồi nhét

Các thầy cô giáo mỗi khi thao giảng luôn sợ bị “cháy giáo án”. Luôn phải cân đo đong đếm xem phần nào thì xoáy sâu, phần nào thì lướt nhanh để đảm bảo đúng giờ. Học sinh phát biểu cũng phải có tiêu chuẩn về thời gian (và nhiều người còn mớm sẵn nội dung phát biểu cho học sinh, thậm chí dạy trước cho các em quen và để cô kiểm tra lại kịch bản tiết dạy). Khi người dự giờ nhận xét tiết thao giảng thì yếu tố “cháy”/”ướt” giáo án được đưa lên hàng đầu. Tại sao lại phải làm khổ nhau thế nhỉ? Dạy mười điều lớt phớt không bằng dạy một điều cho đến đầu đến đũa. Thà rằng học sinh phát biểu phản biện, thầy trò xoáy sâu hẳn vào một vấn đề còn tốt hơn là dạy cả bài mà chẳng em nào hiểu được điều gì cho đến nơi đến chốn.

Vấn nạn này không chỉ diễn ra ở cấp độ cá nhân từng giáo viên mà còn diễn ra ở phần lớn giáo viên trong cả một môn học trên toàn quốc. Đó là môn ngoại ngữ, cụ thể là môn tiếng Anh. Môn ngoại ngữ là môn kỹ năng nhưng lại được giảng dạy như một môn kiến thức. Rốt cuộc là học sinh có thể nắm tốt ngữ pháp nhưng lại hoàn toàn không giao tiếp được, mặc dù học ròng rã đến 7 năm trời, hoặc hơn. Và cũng vì chỉ chăm chú dạy các em trở thành những nhà “văn phạm học” nên mới phổ biến tình trạng giáo viên tiếng Anh... cần phiên dịch tiếng Anh..

Thầy cô nhồi nhét theo kiểu thầy cô, sách giáo khoa (SGK) nhồi nhét theo kiểu SGK. Ai đời học sinh lớp 7 mới hơn chục tuổi đầu mà đã phải học nào là “Tĩnh dạ tứ”, nào là “Hồi hương ngẫu thư”… Toàn là những bài “đỉnh của đỉnh”. Một PGS.TS ngữ văn đang giảng dạy ở Đại học Sư Phạm TP. HCM cho rằng “Với tứ thơ của những bài thơ ấy thì người đọc tuổi trung niên nếu cuộc đời không va vấp nhiều thì chưa chắc đã thấm nổi, huống gì là học sinh cấp 2.”. Muốn tích hợp dạy từ Hán – Việt thì chọn những bài khác. Thơ Đường đâu chỉ những bài ấy.

Cũng dễ hiểu là vì những bài đó là những bài đỉnh cao của thơ Đường. Nhưng đỉnh cao là chuyện đỉnh cao, còn tâm lý lứa tuổi người học có phù hợp hay không lại là chuyện khác. Khác hoàn toàn. Soạn giả SGK khá mau mắn là nhân dịp dạy từ Hán – Việt và dịp dạy thơ Đường là đưa những bài ấy vào mà không tính đến khả năng các cô cậu học sinh bé bỏng của chúng ta có đủ “nội công” để tiếp nhận hay không.

Cũng cần nói thêm là trong khi nhồi nhét như vậy, thì SGK vẫn sai chính tả, sai ngữ pháp như thường. Thậm chí sai ngay cả trong SGK lớp

Làm việc độc lập, tư duy phản biện là thứ rất xa lạ đối với nền giáo dục công lập ở Việt Nam hiện nay.

Thạc sĩ Võ Anh Tuấn (TPHCM)


Related articles

(0) Comments
Focus
Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận lần II:
Khởi động vòng chung kết
BTO-Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận lần II năm 2022 - 2024 chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Khát vọng vươn xa” đã khởi động vòng chung kết vào hôm nay 26/4. Tham dự có ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ, các thành viên ban tổ chức, hội đồng ban giám khảo cuộc thi cùng 15 tác giả/nhóm tác giả có giải pháp, mô hình vào vòng chung kết.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương quá hóa bóp nghẹt