Cải tạo đất - thừa mà thiếu

07/11/2016, 09:30

BTO - Trên địa bàn tỉnh có rất ít doanh nghiệp, người dân mang đất đi kiểm tra định kỳ để có hướng cải tạo hợp lý. Việc cải tạo đất hiện nay vẫn làm theo quán tính, kinh nghiệm là chính. Từ đó dẫn đến việc bón phân nhiều mà đất vẫn cằn cỗi, cây trồng không phát triển… 

         
   

         

            Đã đến lúc áp dụng khoa học trong cải tạo đất.

Cải tạo đất bằng mắt

Hơn 30 năm gắn bó với cây lúa, nhưng việc cải tạo đất với ông Nguyễn Văn Thành ở xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình vẫn dựa vào kinh nghiệm của cha ông truyền lại và tích lũy của bản thân. Cách cải tạo đất mà ông Thành áp dụng là trước khi gieo lúa bón các loại phân vô cơ bổ sung đạm, lân, kali cho đất. Nếu có điều kiện bón thêm phân bò để tạo độ tơi xốp cho đất. Còn việc kiểm tra xác định xem đất thiếu chất gì để bổ sung thì ông Thành chưa nghĩ tới.

Nếu tính về giá trị kinh tế mang lại thì hiện nay cây thanh long là một trong những cây mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Vì vậy, việc áp dụng khoa học công nghệ trong trồng cây thanh long đang được thực hiện khá rộng rãi. Tuy nhiên, cũng chỉ vài người trồng thanh long áp dụng việc kiểm nghiệm đất để có hướng cải tạo đất phù hợp. Ông Nguyễn Văn Bảy, trồng thanh long gần 20 năm ở xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam cho biết: Việc áp dụng khoa học công nghệ trong trồng thanh long được người dân khá quan tâm. Tuy nhiên, họ chỉ quan tâm đến các công nghệ mang lại hiệu quả ngay, chẳng hạn như làm hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng công nghệ trong bật tắt hệ thống tưới… Còn việc đầu tư lâu dài và hiệu quả không thấy rõ như kiểm nghiệm đất, kiểm tra độ cân bằng của các khoáng chất trong đất thì hầu như ít người quan tâm. Mặc dù, gia đình ông Bảy đã làm hệ thống tưới thông minh nhưng ông vẫn bón phân, cải tạo đất theo cách truyền thống. Sau mỗi lần thu hoạch, ông bón lân, kali và xịt các loại thuốc giúp cây thanh long phát triển bộ rễ và cành. Vẫn biết kiểm nghiệm đất sẽ giúp mình cải tạo đất tốt nhất, nhưng ở Bình Thuận vẫn chưa có cơ sở nào làm việc này. Muốn kiểm nghiệm thì phải mang mẫu vào TP. Hồ Chí Minh và chi phí cũng khá đắt…

Muốn đi châu Âu phải cải tạo đất

 Tại hội thảo về cải tiến nông nghiệp sử dụng phương pháp quản lý nước và đất thông minh do Hội Nông dân tỉnh tổ chức vừa qua, các chuyên gia về dinh dưỡng đất và nước đến từ Hà Lan cho biết độ phì nhiêu của đất tại Bình Thuận ở mức trung bình của cả nước. Tuy nhiên, ở vùng đất chuyên canh cây thanh long thì đất đang thiếu một số chất giúp cây phát triển tốt. Cụ thể hàm lượng Photpho có sẵn thấp dẫn tới bộ rễ kém phát triển; hàm lượng canxi trong các mẫu được xét nghiệm thấp hơn mức trung bình nên ảnh hưởng đến chất lượng quả. Nhưng hiện nay người trồng cây thanh long Bình Thuận vẫn áp dụng cách bón phân, cải tạo đất theo cảm tính nên chưa mang lại hiệu quả cao. Đất vẫn thiếu một số khoáng chất quan trọng dẫn đến mầm bệnh có cơ hội phát triển. Tại hội thảo, Tiến sĩ Arjan Reijneveld, chuyên gia về dinh dưỡng đất cho biết: Việc kiểm nghiệm đất rất quan trọng đối với những nước có nền nông nghiệp phát triển. Kiểm nghiệm sẽ cho người trồng biết được đất đang thiếu chất gì để bổ sung. Từ việc cân bằng này sẽ giúp hạn chế các mầm bệnh ủ trong đất. Trái thanh long Bình Thuận đang thu hút sự quan tâm của một số nhà đầu tư Hà Lan. Tuy nhiên, muốn trái thanh long bảo quản được lâu, vượt qua được các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của châu Âu thì trước hết người trồng phải cải tạo, bổ sung những chất mà đất của mình đang thiếu…

Việc sử dụng nguồn nước tưới chưa hợp lý dẫn đến độ ẩm tại các nơi trong cùng một diện tích không đồng đều. Người dân vẫn có thói quen tưới quá nhiều nước trong một lần tưới dẫn tới cây bị úng nước. Tiến sĩ Gé van de Eertwegh, chuyên gia về nước của Hà Lan khuyến cáo: Việc tưới nước theo thói quen đang gây lãng phí nguồn nước và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bộ rễ của cây trồng. Trong tương lai, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu, nguồn nước sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Vì vậy, người nông dân cần áp dụng hệ thống tưới thông minh có gắn các thiết bị cảm biến trong đất. Các thiết bị này sẽ giúp người nông dân chủ động việc tưới tiêu, cân bằng độ ẩm trong đất.

Thị trường tiêu thụ thanh long Bình Thuận thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Tìm kiếm thị trường mới, nâng cao giá trị xuất khẩu trái thanh long đang được các doanh nghiệp trong tỉnh tiến hành. Để bắt kịp xu hướng đó thì người nông dân và các ngành chức năng phải mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tạo đất và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước…

Nguyễn Luân


Related articles

(0) Comments
Focus
Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận lần II:
Khởi động vòng chung kết
BTO-Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận lần II năm 2022 - 2024 chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Khát vọng vươn xa” đã khởi động vòng chung kết vào hôm nay 26/4. Tham dự có ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ, các thành viên ban tổ chức, hội đồng ban giám khảo cuộc thi cùng 15 tác giả/nhóm tác giả có giải pháp, mô hình vào vòng chung kết.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cải tạo đất - thừa mà thiếu