“Khu bảo tồn biển Hòn Cau có nguy cơ bị xóa sổ”

09/11/2016, 14:59

>> Việc “nhấn chìm” chất thải “khủng” xuống biển: Không chỉ hộ nuôi tôm, người nuôi cá lồng bè cũng đang lo

BTO - Đó là nhận định của ông Huỳnh Quang Huy – Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận trả lời báo chí trong những ngày qua trước thông tin hàng triệu m3 chất nạo vét từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 sẽ được “nhấn chìm” xuống biển, chỉ cách khu vực Hòn Cau khoảng 500m.

         
   

         

         Một góc Hòn Cau yên bình đến khó tả.

Có lẽ sự thật đó chỉ còn là vấn đề thời gian nếu mọi thủ tục kia đã “đúng quy trình”. Hòn Cau hay còn gọi là Cù Lao Câu đã được các tổ chức quốc tế và Chính phủ Việt Nam chính thức công nhận là khu bảo tồn biển năm 2010 và là một trong 6 khu bảo tồn biển được thành lập tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Hòn Cau được các nhà khoa học nghiên cứu Quốc tế và Việt Nam đánh giá là vùng biển có các rạn san hô còn giữ được độ bao phủ cao, trên 225 loài san hô đã được xác định, trong đó có nhiều loài chỉ có ở vùng biển xinh đẹp này. Đây cũng là nơi rùa biển được sinh sôi và đặc biệt là loài trai tai tượng khổng lồ phủ khắp khu vực này. Hòn đảo nhỏ rộng khoảng 140 ha, cách đất liền khoảng 40 phút đi tàu đã trở thành điểm tham quan lý tưởng đối với du khách phương xa, bởi vẻ đẹp hoang sơ, trong lành và bình yên đến khó tả. Tháng 4 AL hàng năm, dân địa phương lẫn khách du lịch đều háo hức ra đảo để xem lễ hội cầu ngư, một trong những lễ hội truyền thống của ngư dân vùng biển Tuy Phong. Có ra đảo mới cảm nhận hết sự trong xanh của nước biển, sự đa dạng của rặng san hô và những khối đá khổng lồ được thiên nhiên sắp đặt tạo nên nhiều hình thù kỳ dị, lạ mắt và biến đổi khác thường tùy theo ánh sáng mỗi ngày.

         
   

         

         Khách du lịch rất thích đến hòn đảo    nhỏ này.

Thế nhưng từ khi Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân xuất hiện, cảng chuyên dùng Vĩnh Tân được quy hoạch, xây dựng khu lấn biển thì mức độ chồng lấn lên diện tích biển của Khu bảo tồn biển Hòn Cau quá lớn.

    
      Trước   những kiến nghị về ô nhiễm môi trường tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân   mà Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng đã từng báo cáo với đoàn công tác của   Chủ tịch UBTU MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân khi làm việc tại Bình Thuận. PGS   TS Võ Sỹ Tuấn - Viện trưởng Viện Hải dương học cho biết: Nhà máy nhiệt   điện Vĩnh Tân đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng cần tiếp   tục làm rõ tác động đối với môi trường nước và ô nhiễm biển. Ông cho   rằng: Vừa qua việc di dời san hô ở Vĩnh Hảo (Tuy Phong) là do ảnh hưởng   của dự án này. Cần phải thường xuyên giám sát, có quan trắc, bởi sau khi   có báo cáo đánh giá tác động môi trường thì quá trình vận hành là có vấn   đề. Tuy nhiên, phải có đánh giá tác động môi trường chiến lược toàn   vùng, kể cả ở Ninh Thuận, chứ không đơn thuần là báo cáo đánh giá tác   động môi trường của dự án đó. Ông Tuấn nói thêm, tình hình ô nhiễm môi   trường thực tế nặng nề hơn nhiều so với những báo cáo. Vấn đề ô nhiễm   môi trường đang gây phân hóa xã hội, đơn cử như gây xung đột giữa doanh   nghiệp và người dân. Nếu chúng ta không quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi   trường thì rất nguy hiểm, dẫn đến phân hóa trong xã hội, cản trở sự phát   triển. Theo đó, phải bảo đảm sự phát triển bền vững, có sự hợp tác giữa   chính quyền - doanh nghiệp - người dân trên cơ sở minh bạch mọi thông   tin.

Mặc dù các nhà máy nhiệt điện đều sinh sau đẻ muộn so với Khu bảo tồn này nhưng đều được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với diện tích chồng lấn đến hơn 1.000 ha… Ông Quang – Chủ tàu Song Én (xã Phước Thể), chuyên đưa khách ra tham quan Hòn Cau chia sẻ: “Từ ngày có Nhiệt điện Vĩnh Tân, đảo Hòn Cau đã có dấu hiệu ô nhiễm, có những mùa nước không còn trong xanh, nước ngọt trên đảo cũng hiếm dần. Thông tin Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân xin đổ 1,5 triệu m3 chất nạo vét xuống biển, chỉ cách Hòn Cau 500m sẽ làm các loài sinh vật biển ở khu bảo tồn Hòn Cau đi nơi khác sinh sống hoặc chết dần trong nay mai”. Không chỉ ông Quang lo lắng mà những người địa phương chuyên làm du lịch thường xuyên dẫn khách ra tham quan Cù Lau Câu cũng bức xúc không kém. Anh Nguyễn Hồng Kim Hoàng người dân xã Chí Công đang làm công ty du lịch ở TP.HCM cho biết: “Mỗi năm tôi đều đưa 20 – 30 đoàn khách ở các tỉnh thành khác đến tham quan khu bảo tồn Hòn Cau. Họ rất thích không khí và khung cảnh nơi đây, có những người quay lại rất nhiều lần chỉ để chụp hình. Không biết Nhà máy Nhiệt điện hoạt động gần khu vực có ảnh hưởng không nhưng sò, ốc trên đảo hiếm dần và khách bắt đầu e ngại. Sắp tới hàng triệu m3 chất nạo vét bị nhấn chìm xuống biển sẽ ít nhiều làm khu bảo tồn này không còn “bình yên” như vốn có”.

Vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT về việc điều chỉnh phạm vi Khu bảo tồn biển Hòn Cau trên vùng biển huyện Tuy Phong. Vì các nhà máy nhiệt điện ở tỉnh sẽ tác động nhất định đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau, trong đó đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường... Do đó, UBND tỉnh buộc phải đề nghị giảm diện tích vùng phục hồi sinh thái 206 ha và vùng phát triển của Hòn Cau bị giảm hơn 850 ha.

         
   

      Về việc Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 xin đổ 1,5 triệu    tấn chất nạo vét ra biển, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường  - Trần    Hồng Hà khẳng định: Quan điểm của ông là không thể đổ chất thải    xuống biển như đề xuất của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1. Trước đó,    ngày 2/11, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng    cho hay: “Sau một loạt sự cố môi trường chúng ta cũng nhận thấy môi    trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa”.

         K.Ngọc (tổng hợp)

Minh Vân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Khu bảo tồn biển Hòn Cau có nguy cơ bị xóa sổ”