Ông Trump và khả năng khởi động chiến tranh hạt nhân

16/11/2016, 10:04

Donald Trump được cho là từng đặt vấn đề về việc Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân. Và giờ thì ông Trump sắp nhậm chức Tổng thống Mỹ với những quyền hạn lớn.

Đảng viên Cộng hòa Donald Trump dự kiến sẽ nhậm chức Tổng thống vào tháng 1/2017 và trở thành Tổng tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Mỹ.

                
      
         Ông Donald Trump. Ảnh: Slate.

Khi đó, liệu khả năng ông Trump sử dụng vũ khí hạt nhân có tăng lên so với những người tiền nhiệm của ông hay không?

Quyền năng của Tổng thống Mỹ

Quyền của một vị tổng thống Mỹ trong việc phát động chiến tranh là rất lớn. Đáng lưu ý, ông này có thể tiến hành các hoạt động quân sự mà không cần sự phê chuẩn cụ thể nào của Quốc hội Mỹ. Ở Mỹ cũng có luật liên bang quy định Tổng thống nước này phải rút quân chiến đấu khỏi lãnh thổ nước ngoài trong vòng 60-90 ngày trừ phi Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, không tổng thống nào, kể cả ông Obama hồi năm 2011, chấp nhận tính hợp hiến của giới hạn 60-90 ngày này.

Theo cách lý giải của giới lập pháp Mỹ, hầu hết các xung đột vũ trang mà Mỹ có dính líu vào đều không vượt ngưỡng chiến tranh cần đến sự phê chuẩn của nhánh lập pháp.

Trên thực tế, nước Mỹ chưa tuyên chiến lần nào kể từ năm 1942, cũng như kể từ khi Tổng thống Mỹ Harry Truman quyết định cử quân tới bán đảo Triều Tiên vào năm 1950 để tham gia các hoạt động đối đầu quân sự (với Trung Quốc và Triều Tiên - ND).

Vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, nhánh hành pháp của Mỹ càng hào phóng tạo điều kiện cho tổng thống nước này phát động chiến tranh mà không cần sự đồng ý của Quốc hội, kể cả khi an ninh quốc gia của Mỹ không thực sự đối mặt với mối đe dọa nào.

Tuy nhiên Quốc hội Mỹ có thể cắt ngân sách khi họ tin rằng Tổng thống dùng sai mục đích số tiền này hoặc hoạt động quân sự không vì lợi ích của Mỹ. Chiến tranh thời hiện đại thường tốn kém và đòi hỏi quy định của luật pháp về chi tiêu đặc biệt.

Nếu Quốc hội phản đối hành động quân sự, họ có thể từ chối thông qua đạo luật cung cấp tiền cho hoạt động phiêu lưu quân sự của tổng thống hơn là tích cực ban hành luật thu nhỏ quy mô quân đội hay cắt giảm ngân sách quốc phòng. Do vậy quyền năng phát động chiến tranh của tân Tổng thống Trump về dài hạn sẽ phụ thuộc vào việc ông ấy có thể hợp tác với đa số nghị sĩ Cộng hòa ở cả Thượng viện và Hạ viện.

Tổng thống Trump chỉ có vài phút cho việc bấm nút hủy diệt

Một vấn đề dư luận quan tâm là chính sách sử dụng vũ khí hạt nhân của ông Trump. Hồi mùa hè 2016, có một MC Mỹ tuyên bố Donald Trump đã thường xuyên hỏi một chuyên gia chính sách đối ngoại vì sao Mỹ sở hữu vũ khí hạt nhân mà lại không đem số vũ khí đó ra “xài” (câu chuyện này ông Trump đã phủ nhận).

                
      
         Một va ly điều khiển vũ khí hạt nhân. Ảnh: YouTube.

Đương kim Tổng thống Mỹ Obama thì lặp đi lặp lại ý ông không tin tưởng trao các mật mã phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân liên lục địa cho người kế nhiệm là ông Trump do lo ngại về tính khí của ông này.

Mặc dù Trung Quốc và Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và về lý thuyết có thể tấn công bằng hạt nhân vào Mỹ nhưng theo chiến lược chiến tranh hạt nhân của Mỹ thì Nga mới là mối đe dọa lớn nhất. Chẳng hạn, Mỹ duy trì năng lực phóng hạt nhân khi bị tấn công - năng lực này yêu cầu quân đội Mỹ phát hiện các tên lửa đạn đạo hạt nhân của Nga phóng về Mỹ và quân đội Mỹ phải thực hiện các cuộc tấn công trả đũa trước khi tên lửa Nga có thể phá tung hệ thống tên lửa Mỹ trên đất Mỹ. Mới đây năm 2013, Tổng thống Mỹ lệnh cho Bộ Quốc phòng Mỹ duy trì năng lực đó trong khuôn khổ Chiến lược Triển khai Hạt nhân của Bộ này.

Với một kịch bản như thế, Tổng thống Trump có chưa đến 8 phút tính từ cuộc gọi cảnh báo đầu tiên tới Nhà Trắng cho đến thời khắc cuối cùng khi ông quyết định phóng các quả tên lửa đạn đạo hạt nhân liên lục địa từ lãnh thổ Mỹ trước khi tên lửa Nga bắt đầu phát nổ trên đất Mỹ và phá hủy các điểm bố trí đặt tên lửa Mỹ.

Trong kịch bản này, các lựa chọn của vị tổng thống Mỹ bị giới hạn và trên thực tế ông không có nhiều thời gian để ngẫm nghĩ (chẳng hạn xem xem liệu đó có phải là cảnh báo giả).

Tướng Mỹ về hưu Michael Hayden nói: “Hệ thống này được thiết kế ưu tiên tốc độ và sự quyết đoán, chứ không phải để tranh cãi về quyết định hành động”.

Tuy nhiên kho vũ khí hạt nhân của Mỹ rất lớn và đa dạng nên Nga gần như không thể thành công trong việc ngay lập tức giáng đòn “nốc ao” vào nước Mỹ và phá hủy đa số các hầm ngầm tên lửa, oanh tạc cơ và tàu ngầm tên lửa đạn đạo.

Mặt khác, chính sách của Mỹ cũng yêu cầu sau khi có xác nhận về một đòn tấn công hạt nhân của Nga, tổng thống Mỹ phải nhanh chóng sử dụng vũ khí hạt nhân để trả đũa.

Trên thực tế, có thể ông Trump sẽ theo chính sách ngoại giao “pháo hạm” của Tổng thống Mỹ trước đây là Teddy Roosevelt.

Donald Trump thường xuyên bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các vị tướng Mỹ như là Douglas MacArthur và George S. Patton – đây là các vị tướng khá bốc đồng và tự tin vào khả năng chiến thắng của mình. Và khi ấy, các đối thủ của Mỹ có thể khai thác tâm lý “tự tin” của ông Trump trong vấn đề quân sự để lôi kéo Mỹ vào các xung đột không cần thiết.

Trung Hiếu/VOV


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Trump và khả năng khởi động chiến tranh hạt nhân