Thanh long rớt giá, sâu bệnh: Nông dân không “mặn” VietGAP?

15/08/2016, 08:22

BT- Giá cả bấp bênh, sâu bệnh hoành hành, giữa thanh long VietGAP và không VietGAP “đồng sàng”… là những lý do chính, khiến không ít hộ nông dân trong tỉnh không còn mặn mà với chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩnVietGAP…

                
Phân loại thanh long.

Nguy cơ quay lưng VietGAP

Hiện nay, giá thanh long đang giảm mạnh, các nhà vườn phải chấp nhận bán tháo bán đổ mong kiếm ít vốn bù lại chi phí thuốc, phân. Có mặt tại vùng trồng thanh long xã Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến nhiều diện tích thanh long khô cằn, cỏ dại mọc đầy xung quanh và loang lổ những vết sâu bệnh. Thời điểm này đang vào chính vụ thanh long, giá cả thấp, sâu bệnh nhiều nên nhiều nông dân chểnh mảng trong chăm sóc. Tại một điểm thu mua dọc tuyến quốc lộ 1A của xã Hàm Thắng, thanh long vụ mùa được thu hoạch khá nhiều, nhưng số bị nhiễm bệnh (hàng dạt) khá lớn. Nhà vườn La Văn Bảy (thôn Phú Suông, thị trấn Phú Long) đang chở thanh long ra vựa bán cho biết: “Mùa này giá thấp, thanh long vừa bán vừa bỏ vì bệnh đốm nâu”. Ông Bảy lắc đầu nói thêm: “Đáng lẽ được hàng loại 1 với giá 7.000 đồng, nhưng do bị nấm nhiều quá phải xuống loại 2 chỉ 3.000 đồng/kg, còn lại phải bỏ cho bò ăn lên đến vài trăm kg”. Theo ông Bảy, gia đình có hơn 1.500 trụ thanh long, trồng từ 10 năm nay. Trước đây từng tham gia trồng theo VietGAP, nhưng sau một thời gian thấy không có lợi nên không muốn gia hạn thêm. Quá trình trồng phải theo quy trình ghi chép mất thời gian, trong khi giá thu mua không phân biệt hàng VietGAP với hàng thường nên nhiều nhà vườn không còn tha thiết với VietGAP.

Tương tự, hộ ông Lương Văn Tuân ở xã Tân Thành (Hàm Thuận Nam), có gần 2.000 trụ cũng từng tham gia thực hành VietGAP. Sau một thời gian áp dụng thấy mô hình không mang lại lợi nhuận và ông đang có ý định bỏ. “Mang tiếng là trồng theo chuẩn VietGAP, nhưng khi thương lái xuống thu mua có phân biệt gì đâu. Cứ hàng đẹp thì mua giá cao, hàng xấu giá thấp, chẳng thấy đề cập gì đến VietGAP”, ông Tuân bức xúc cho biết.

 Doanh nghiệp cũng không cần VietGAP ?

Theo một vài doanh nghiệp thu mua thanh long, thông thường cứ xem vườn nào hàng đẹp, trái trơn không bị nhiễm nấm là ra giá chứ ít khi đề cập hàng trồng VietGAP hay không? Một chủ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ở xã Tân Lập (Hàm Thuận Nam) cho biết: Giá cả thu mua như nhau, mỗi lần xuất đi cả chục container trên trăm tấn nên không thể để riêng hàng VietGAP với hàng thường. Tuy nhiên, với hàng trồng theo chuẩn VietGAP trái to hơn, trông đẹp mắt hơn so hàng thường. Nhưng khi xuất qua Trung Quốc người ta chẳng quan tâm kiểm tra hàng VietGAP. Trong khi hàng VietGAP có nơi trồng trái còn nhỏ hơn hàng thường thành thử mua giá thấp hơn. “Mùa này, thanh long xuất đi rất khó khăn. Tại các cửa khẩu hầu như phải nằm lại 5, 6 ngày chờ tại cửa khẩu. Mặc dù trước khi xuất đã bỏ cả tấn hàng dạt cho bò ăn, qua đến cửa khẩu còn phải đổ hàng đống vì hư hỏng”. - một chủ doanh nghiệp chuyên xuất thanh long cho biết. Với những thương lái Trung Quốc, việc thu mua cũng chẳng phân biệt sản xuất theo phương thức gì.

                
Bệnh đốm nâu đang là “rào cản” lớn của    người trồng thanh long.

 Chuẩn VietGAP - nhọc nhằn nhưng giá không cao

Chứng chỉ VietGAP cấp cho các nhà vườn thanh long ở Bình Thuận thể hiện nguồn gốc, xuất xứ của trái cây sạch. Thế nhưng, người trồng thanh long trong tỉnh hiện nay dường như đang quay lưng với     VietGAP. Anh Nguyễn Cảnh - cán bộ nông nghiệp xã Hàm Thắng cho biết, thời điểm trung tuần tháng 8/2016, xã có 90 ha bị nhiễm bệnh đốm nâu, trong đó nhiễm nhẹ 50 ha, trung bình 35 ha và nhiễm nặng 5 ha. Điều đáng nói là diện tích nhiễm bệnh đốm nâu thường rơi vào các hộ dân không sản xuất theo VietGAP. Toàn xã hiện có 572,5 ha thanh long, trong đó diện tích thanh long VietGAP 166,5ha, gồm 16 hộ/409 ha. Sở dĩ có việc nông dân không muốn sản xuất theo VietGAP bởi nhiều lý do. Nguyên nhân chính là do giá cả biến động, dịch bệnh nhiều, khó kiểm soát (nhất là dịch bệnh đốm nâu). Mặt khác, theo lý giải của một số nông dân thì quá trình thực hiện VietGAP còn khó khăn trong ghi chép. Trên địa bàn xã Hàm Thắng thường xuyên bị ngập lụt, hạn hán xảy ra hàng năm, ảnh hưởng đến sản xuất (trong tháng 6/2016, mưa lũ đã khiến 150 ha thanh long trên địa bàn bị ngập). Ngoài ra,  giá cả thanh long VietGAP không cạnh tranh được với hàng trôi nổi, không phân biệt được VietGAP hay không VietGAP khiến nông dân bỏ mặc. Trên địa bàn xã Hàm Thắng hiện có 33 cơ sở, hộ kinh doanh thu mua trái thanh long, nhưng thực chất không có cơ sở nào phân biệt giữa hàng VietGAP và không VietGAP để thu mua. Tiêu chí chọn hàng là trái to, tai đẹp, không có hoặc ít sâu bệnh. Nói về định hướng trong thời gian tới, anh Nguyễn Cảnh cho biết, xã sẽ tiếp tục phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thanh long tỉnh, Ban điều hành các thôn để tích cực vận động nông dân sản xuất thanh long theo hướng VietGAP.

 Để giữ  thương hiệu, phải vào VietGAP

Bà Đào Thị Kim Dung - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thanh long Bình Thuận cho biết, từ đầu năm đến nay hầu hết các địa phương trong tỉnh đều chưa tập trung triển khai chương trình sản xuất theo VietGAP. Trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh chỉ chứng nhận được 225 ha, trong đó cấp chứng nhận mới cho khoảng 135 ha và tái cấp chứng nhận khoảng 120 ha, bằng 51,43% so năm 2015. Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thanh long tỉnh, công tác triển khai nhiệm vụ VietGAP từ đầu năm đến nay ở ban chỉ đạo cấp xã rất chậm. Đặc biệt, tại huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam, mặc dù ngay từ đầu năm Ban chỉ đạo Phát triển cây thanh long bền vững tại các huyện này đã xây dựng kế hoạch  triển khai và giao chỉ tiêu cụ thể đến từng xã. Tuy nhiên, không ít người sản xuất dù vẫn tiếp tục thực hiện các nội dung theo yêu cầu của  VietGAP trên đồng ruộng, nhưng không thực hiện việc ghi chép nhật ký sản xuất để hội đủ điều kiện cho việc đánh giá chứng nhận. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn, nông dân tham dự các lớp tập huấn giảm 50 - 60% so với thư mời được phát ra. Trong đó, một số xã thuộc huyện Hàm Thuận Bắc khó vận động triển khai VietGAP là các địa phương Hàm Thắng, Hàm Phú, Phú Long.

Theo bà Dung, để hướng đến một thương hiệu thanh long sạch Bình Thuận và phát triển một cách bền vững, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với  các huyện triển khai  kế hoạch sản xuất và kiểm tra, chứng nhận thanh long đạt tiêu chuẩn      VietGAP năm 2016. Theo đó, sẽ tăng cường vận động, hướng dẫn các hộ thực hiện thủ tục tái cấp giấy chứng nhận. Tiếp tục duy trì công tác phòng, trừ bệnh đốm nâu trên cây thanh long. Mặt khác trong tháng 8 này, sẽ tiếp tục chỉ đạo, bám sát các tổ hợp tác, cùng với ban chỉ đạo các xã quyết tâm vận động nhân dân thực hiện VietGAP, phấn đấu giữ nguyên số lượng tổ, nhóm VietGAP hiện có trên địa bàn tỉnh (452 tổ VietGAP).

    
      Tính đến cuối tháng 6/2016, toàn tỉnh có 62 tổ/nhóm có giấy chứng nhận   hết hiệu lực với tổng diện tích hết hiệu lực 1.151,09 ha. Đến nay, hầu   hết các cơ sở đều chưa hoàn thành được yêu cầu của VietGAP. Do vậy, nếu   trừ diện tích hết hiệu lực chứng nhận vào cuối tháng 6/2016 thì diện   tích được chứng nhận đạt VietGAP trên phạm vi toàn tỉnh còn 8.055,12   ha/371 cơ sở.

K.Hằng - K.Ngọc


Related articles

(0) Comments
Focus
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh long rớt giá, sâu bệnh: Nông dân không “mặn” VietGAP?