Bình Thuận có nợ công không?

15/08/2016, 08:27

BT- Nợ công không còn xa lạ với người dân, khi mà các cơ quan truyền thông  gần đây thường phản ánh, đưa tin. Đây cũng là vấn đề không còn mang tính “bí mật”, bởi nhân dân - người nộp thuế cho Nhà nước phải được biết chính xác thông tin, con số.

Vấn đề nợ công lâu nay nhiều  người hiểu rằng chỉ ở tầm vĩ mô, mang tính quốc gia đại sự.  Khi cần vốn phát triển đất nước, chúng ta phải vay vốn nước ngoài từ nhiều nguồn như vốn ODA, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các quốc gia, tổ chức khác. Đã vay thì phải trả - đây là điều đương nhiên, chẳng ai cho không chúng ta bao giờ. Nếu có cho khất, họ sẽ ràng buộc con nợ với nhiều lý do, điều kiện này nọ. Ở nước ta, thường Quốc hội sẽ quyết định chủ trương vay nợ của ai, vay làm gì, khi nào trả và giao cho Chính phủ kiểm soát nợ công trong giới hạn cho phép. Thực tế cho thấy đa số các quốc gia phát triển trên thế giới – nước nào cũng đều có nợ công. Ngay đến như Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Italia,  Nhật, Singapore cũng không thoát khỏi vấn đề nợ công. Như vậy có thể hiểu một quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh chưa chắc thoát vai “con nợ”. Điều mà người dân ở các nước quan tâm nhất là nguồn vốn vay ấy đã được sử dụng vào mục đích gì, ai là người được hưởng lợi.

Theo báo cáo Chính phủ, năm 2015 Việt Nam nợ công là 110 tỷ USD và trả nợ công chiếm 16,1% tổng thu ngân sách 2015. Đa số vay để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục và kể cả thực hiện an sinh xã hội. Đất nước phát triển được như hôm nay là chúng ta đã huy động tất cả các nguồn lực trong và ngoài nước.

Ở phạm vi là đơn vị hành chính trực thuộc trung ương, Bình Thuận cũng cần rất nhiều vốn để phát triển. Nếu so sánh với các tỉnh, thành thì Bình Thuận vẫn là tỉnh nghèo, phải nhận nhiều sự hỗ trợ của Trung ương – điều này ai cũng biết. Từ một tỉnh khô hạn nhất, nhì của dải đất hình chữ S, nước là vấn đề trầm kha của những năm trước đây. Song đến nay, hệ thống thủy lợi đã được “nối mạng” rộng khắp và tiếp tục được xây dựng ở các huyện phía Nam của tỉnh. Với đặc thù của một địa phương có chiều dài biển đến 192 km song hạ tầng của ngành thủy sản vừa yếu lại thiếu. Trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp cũng không khá hơn khi diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên rất khó để phát triển đồng bộ theo nghị quyết “tam nông” của Trung ương. Nghèo nên phải liệu cơm gắp mắm. Nghèo phải đi vay để  đầu tư phát triển là đúng, không cần tranh cãi, bình luận. Diện mạo mới của Bình Thuận hiện nay mới chỉ là tương đối, muốn đẹp hơn, phát triển hơn nữa phải huy động vốn đầu tư từ nhiều nguồn. Tất nhiên, khi vay ai, vay làm gì, kế hoạch trả nợ  ra sao phải được HĐND chấp thuận, phê duyệt thông qua.

Theo UBND tỉnh, việc quản lý và sử dụng nợ công của Bình Thuận hàng năm đều theo kế hoạch được duyệt. Việc huy động, sử dụng, quản lý, trả nợ nợ công hết sức chặt chẽ, cụ thể, đúng mục đích. Trong nửa năm đầu 2016 tổng dư nợ vay tính đầu kỳ là 496,487 tỷ đồng, bao gồm: vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 378,8 tỷ đồng. Đây là khoản vay để thực hiện kiên cố hóa kênh mương, xây dựng cơ sở hạ tầng, làng nghề thủy sản, vì Bộ Tài chính chưa phân bổ hạn mức vay tín dụng ưu đãi với nhóm ngành nghề phục vụ nông nghiệp. Khoản dư nợ nữa là tạm ứng Kho bạc Nhà nước 117,687 tỷ đồng để đảm bảo cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án khai thác quỹ đất đường Phan Thiết - Mũi Né (hay gọi là đường 706B). Đối với trả nợ công,  6 tháng đầu năm tỉnh ta mới trả nợ vay cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam 37,8 tỷ đồng, tổng dư nợ vay cuối kỳ là 458,687 tỷ đồng.

Để đảm bảo nguồn trả nợ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thanh toán đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ gốc, lãi, chi phí phát sinh từ khoản vay. Đồng thời phải sử dụng vốn đúng mục đích được duyệt, hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả từ nguồn vốn vay.

Như Nguyễn


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận có nợ công không?